Lý Trần Quỳnh Giang là sự táo bạo trong im lặng, là niềm rộn rã đi về một lối sống không phổ thông trong âm hưởng buồn bã.
Giang lặng lẽ, tần ngần trước cuốn sổ ghi chép nhỏ bằng lòng bàn tay. Cô viết chậm nhưng chưa đầy ba phút đã xong lý lịch tự thuật. Sinh năm 1978 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Triển lãm cá nhân: Nhiệt đới, Buổi chiều thức dậy, Giang, 1974 – trên cái nền buồn bã ở đó và Này ốm à. Bao nhiêu năm của một tên tuổi thuộc nhóm tinh hoa của hội họa Việt Nam hiện nay gói gọn trong mấy dòng như thế. “Em chỉ có vậy thôi”, Giang khẽ khàng.
“Chỉ có vậy” của Giang là điều nhiều họa sĩ nằm mơ cũng không có. Cô có triển lãm cá nhân riêng ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường. Sau đó, năm 2004 Giang nhận giải thưởng Ánh mắt trẻ của Trung tâm văn hóa Pháp. Giải thưởng năm đó trao cho Giang không chút bất ngờ. Nó chỉ đơn giản là sự ghi nhận một tài năng “đã rồi” mà bạn bè trong nghề đều nhận mặt từ sớm.
Sau đó, Giang liên tục làm triển lãm cá nhân, lần nào cũng rất nhiều tác phẩm. Với phong cách nhất quán, cô phong tỏa hoàn toàn không gian trưng bày. Có lẽ cũng vì vậy, mỗi lần triển lãm nhóm chỉ là để Giang trò chuyện với bạn bè cũ thân thiết. Còn không, sự chia nhỏ không gian chẳng bao giờ đủ để cô thỏa sức bày dù là sơn dầu hay khắc gỗ.
Chọn cho mình phong cách biểu hiện, những biểu hiện của cô chở nặng cảm xúc của chính mình, không lẫn lộn. Những hình người gầy mảnh, vặn vẹo trong kiếm tìm điều gì đó không rõ, nhưng chắc chắn không phải sự lụy vật chất. Đôi mắt to mở toáng toàng, hướng ra phía trước nhưng không hướng về người đối diện và dõi vào mênh mông. Những con cú – một hình ảnh lặp đi lặp lại trong sáng tác của Giang – mang khuôn mặt của người thông tuệ, nhìn thấy hết, cảm được trọn. Nhưng biết hết để buồn, buồn lại chỉ để ngưng đọng.
Vì thế, tranh của Giang không có nỗi buồn ảo não. Đó là nỗi buồn của sự không thể cưỡng nổi đời sống, không thể cưỡng nổi quy luật – thứ nỗi buồn của người biết là mình mỏng manh mà vẫn giữ đúng bản ngã.
Cả ở tranh và đời, Giang luôn lặng lẽ như trôi trong một thế giới riêng biệt. Nếu bắt chuyện Giang sẽ thấy ngại hỏi nhiều, không phải vì cô không trả lời. Nhưng những câu nhã nhặn được nói bằng làn hơi nhẹ nhàng khiến người hỏi phải ngại bởi tưởng cô vừa ốm dậy, chẳng nên bắt Giang phải nói tiếp.
Một đôi lần, nhà báo – do công việc – phỏng vấn Giang một bài dài. Toàn câu hỏi ép người trả lời phải lập ngôn, Giang trả lời chả liên quan. Cuối cùng chuyện thành nhạt như nước ốc. Ngồi với Giang tốt nhất là im lặng hoặc nói những câu chuyện nghề vẩn vơ không đầu không cuối.
Gọi là không đầu cuối, nhưng Giang vẫn có một chính kiến riêng. Cô đã đi với hội họa hơn hai chục năm nếu kể từ ngày bắt đầu vẽ để học thi vào trường mỹ thuật. Từng ấy năm cộng với tài năng phát lộ sớm đã khiến Giang có không ít người muốn giao đãi nghề. Đấy cũng là thứ giao tiếp Giang nồng nhiệt nhất, thay vì chuyện vợ vợ, chồng chồng, con con – những vấn đề thông thường nhất của đời sống thanh nữ.
Giờ nhìn lại, Giang có những người từng học cùng trường, trước kia có thể vẽ rất duyên dáng nhưng sau khi ra trường rơi tõm vào đề tài công – nông – binh – thứ đề tài duyên tợn với các trưng bày, giải thưởng của Hội Mỹ thuật. Những hình hài trên tranh của những người ấy hết chạy theo phong cách này lại trường phái khác.
“Chị không phải thương họ. Tự họ trong đời làm nghề đã đánh mất mình thì chị thương họ làm gì”, Giang nói không riết róng mà quả cảm.
Giang đã đi như thế trong cuộc biểu hiện thành thật trên sơn dầu, trên bản khắc từ bao năm nay. Cô cũng đi cô độc như thế trên đường đời. Trong những ảnh chụp đám cưới bè bạn, Giang nở nụ cười nhân hậu và lịch duyệt, trang nhã – nụ cười đã thấy lòng nhân ấm áp. Nhưng cô vẫn chọn cách đi về một mình. Độc thân, Giang như càng đi sâu hơn vào nỗi buồn đã như luyện vào người cô. Thỉnh thoảng, đôi lúc, người xem gặp được mình khi buồn trong nỗi buồn mà cô gửi vào tác phẩm. Chỉ một lúc thôi. Còn Giang buồn triền miên nỗi cô đơn vẫn thường chia sẻ qua hội họa.
Cô đơn đến mức, trong một triển lãm cá nhân, người giám tuyển đã chuyển tên triển lãm thành “Thế giới đơn độc”. Trước đó, ý của Giang là “1974 – trên cái nền buồn bã ở đó”. Nếu nói thế giới của Giang đơn độc cũng không hẳn, bởi ai đó một lần nào đơn độc trong đời ắt sẽ gặp Giang. Nỗi buồn mới là đặc trưng của cô, khi nó lẩn sâu như những con nhộng cứ lẩn mẩn sinh sôi rồi tràn ra kẽ tay, bàn chân, mạch máu trong tranh khắc cô thể hiện.
Một cá tính hội họa đã thành hình “trên cái nền buồn bã ở đó”. Giang là vậy!
Trinh Nguyễn
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.