“Tại sao ba mẹ không hiểu mình, tại sao tất cả mọi người đều ủng hộ nhưng chỉ có ba mẹ là không” là những nỗi băn khoăn của nhiều người trẻ mong muốn gửi gắm đến ba mẹ.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Người trẻ mong đợi gì từ gia đình” diễn ra tại Cà phê thứ bảy, Q.1 (TP.HCM) vào ngày 4.12, nhiều người đã thấy “luồng gió mới” trong việc tìm ra hướng giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình. Đó là không còn đứng trên quan điểm trưởng thượng từ ông bà, bố mẹ, buổi trò chuyện chính là tâm sự từ những thành viên trẻ nhất của gia đình, con cái, về những mong đợi từ chính mái ấm.
Mong muốn được lắng nghe, tôn trọng quyền tự do cá nhân
Diện chiếc váy mang phong cách Scotland, Lâm Thiên Phú (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bộc bạch: “Mâu thuẫn lớn nhất của gia đình mình cũng đến từ chiếc váy này nói riêng và phong cách ăn mặc nói chung. Cá nhân mình muốn sống theo phong cách tự do, không theo khuôn mẫu áp đặt truyền thống”. Thiên Phú chia sẻ sự phản ứng của gia đình anh đã dữ dội đến mức độ mọi cuộc đối thoại không còn hiệu quả. Và thậm chí, bố mẹ cũng đã để lại rất nhiều những lời nói tổn thương như chê bai cách ăn mặc dị hợm, bán nam bán nữ…
Tương tự, Nguyễn Thị Hoàng Diệu (25 tuổi), ngụ tại 297 Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM) cũng là người có lối sống cởi mở khi chọn công việc online với sở thích chơi môn thể thao biển. Tuy nhiên, do có bố mẹ làm nông nên cô đã gặp không ít chỉ trích về lối sống.
“Mặc dù thu nhập mình rất khá, thậm chí còn nhỉnh hơn so với các bạn đồng trang lứa đi làm công ty, cũng như việc mặc bikini không còn quá xa lạ với xã hội hiện đại. Nhưng với bố mẹ, đó là điều không thể chấp nhận”, Diệu chia sẻ.
Hoàng Diệu nghẹn ngào: “Trong giai đoạn mâu thuẫn, mình đã khóc rất nhiều. Mỗi lần gọi điện cho bố mẹ dưới quê là mình lại khóc. Hay cứ nói được vài ba câu là hai mẹ con lại cãi nhau. Bản thân đã đặt nhiều câu hỏi như tại sao ba mẹ lại không hiểu mình, tại sao tất cả mọi người đều ủng hộ nhưng chỉ có ba mẹ là không. Mãi sau này, khi chiêm nghiệm lại, việc ba mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con cái nhưng lại gặp phải trở ngại xung đột thế hệ. Do vậy, mình nhận thấy không ai sai trong sự việc này cả”.
Vốn sống trong một gia đình truyền thống, quy củ, tuy nhiên Huy Minh (nhân vật đã được đổi tên) cho biết chính vì sự áp chế mà em trai anh bỗng nhiên bỏ học năm lớp 12. “Suốt 20 năm, gia đình mình thường xuyên giáo dục con bằng biện pháp bắt buộc, ba nói gì con nghe đó cũng như thiếu đi sự tôn trọng, lắng nghe con cái. Đỉnh điểm khi em trai mình học lớp 12 và bị bố thúc ép phải học theo chuyên ngành ông mong muốn. Điều này dẫn đến hệ lụy em trai im lặng với gia đình suốt 1 năm và đến giờ vẫn chưa tốt nghiệp lớp 12”, Minh tâm sự.
Chủ động mở “thế giới” của mình ra cho bố mẹ bước vào để được thấu cảm
Hoàng Diệu chỉ ra cách để bố mẹ dần cảm thông hơn không phải là bắt buộc hiểu con cái mà phải chủ động mở thế giới của mình ra cho bố mẹ bước vào. Và quan trọng nhất là phải tự tin vào bản thân. Từ đó, các bạn trẻ mới khẳng định giá trị, chứng minh bản thân chắc chắn và hạnh phúc trước những quyết định cá nhân. Một khi biết rằng những việc mình làm là hoàn toàn chính đáng, không vi phạm đạo đức thì dần dần bố mẹ sẽ thấu hiểu. Nhất là khi người trẻ có thể truyền được cảm hứng, được xã hội công nhận những giá trị đã cống hiến thì chính bố mẹ sẽ chấp nhận.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (Nhà quản lý giáo dục, cựu hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) giải thích thêm: “Bố mẹ tất nhiên muốn các con trưởng thành và tự chăm sóc cho bản thân vì chẳng ai có thể săn sóc con cả đời. Tuy nhiên các bạn phải làm cho bố mẹ yên tâm rằng con đang an toàn, phát triển và được cả xã hội yêu thương, chấp nhận”.
Bổ sung quan điểm, Huy Minh cho biết: “Chính đối thoại đã cứu vãn sự đứt gãy trong mối quan hệ gia đình mình. Khi người trẻ có bức bối hoặc ước muốn gì hãy cứ mạnh dạn bộc lộ với bố mẹ trước khi mọi chuyện trầm trọng. Vì bố mẹ luôn là người yêu thương chúng ta vô điều kiện và chính bố mẹ cũng ao ước được lắng nghe những cảm xúc nơi con”. Tuy nhiên, Huy Minh cũng lưu ý thêm rằng bố mẹ phải trò chuyện trên tâm thế cởi mở, tôn trọng những khác biệt của con. Bởi nếu cuộc đối thoại thiếu đi sự thấu cảm và chỉ toàn áp đặt sẽ không thể giải quyết vấn đề.
Để giải thích nhu cầu an toàn của người trẻ, thạc sĩ nghiên cứu về trẻ em và gia đình tại Trường ĐH New Mexico (Mỹ) Lã Thanh Hà đưa ra lý thuyết vòng tròn an toàn gồm 2 giai đoạn: khám phá và an toàn. “Khi vào giai đoạn an toàn, trẻ sẽ cần được chào mừng, được bảo vệ để cảm thấy được an toàn và tiếp tục đối diện với những thử thách. Độ tuổi càng lớn, vòng tròn này sẽ càng mở rộng. Khi con còn nhỏ, nhu cầu an toàn của trẻ rất dễ đáp ứng. Ví dụ ở trẻ sơ sinh chỉ cần con nhìn bố mẹ đã thấy an toàn. Tuy nhiên, khi con lớn, thế giới của con rộng mở hơn thì nhu cầu đáp ứng an toàn sẽ phức tạp hơn. Nhưng các con luôn thường trực mong muốn được bố mẹ thông cảm, ủng hộ và cần một chốn để quay về. Vậy nên chính bố mẹ lúc này sẽ là vòng tay vững chắc để trẻ dựa vào trước những giông bão ngoài kia.”
Về trường hợp áp đặt con, tiến sĩ Bùi Trân Phượng khẳng định: “Nếu chúng ta xâm phạm quyền tự do cá nhân của con trẻ sẽ dẫn đến 2 tình trạng. Thứ nhất, là trẻ em sẽ chấp hành nhưng từ đó về sau sẽ không mưu cầu những gì nằm ngoài khuôn khổ và hạn chế sự khám phá ở trẻ. Cứ mãi thành “con ngoan trò giỏi” thì làm sao những đứa trẻ có thể tự giải quyết nhu cầu, tự kiếm công ăn việc làm cũng như xoay sở khi gặp khó khăn. Thứ hai là xảy ra hiện trạng đứt gãy. Nghĩa là con trẻ sẽ bỏ đi hoặc không còn tâm sự, gắn bó với gia đình. Cực đoan nhất là những trường hợp phải tìm đến cái chết để giải thoát”.
Tiến sĩ Phương chia sẻ thêm: “Việc đứt gãy trong gia đình, mối quan hệ mật thiết nhất của con người đều sẽ gây ra nhiều tổn thương đến cả con cái lẫn bố mẹ. Vậy nên, tất cả đều mong muốn tránh được sự đứt gãy đó. Để làm được điều đó, cả hai phải chủ động tiến lại gần nhau. Những điều con cái mong muốn chính là sự lắng nghe, tôn trọng và được bố mẹ đáp ứng, chấp thuận lối sống, sở thích của bản thân. Chính vì vậy bố mẹ cần mở rộng thế giới quan nhiều nhất có thể để hiểu, yêu thương con”.
Mai Thụy / Báo Thanh Niên