Dáng thẳng vươn cao đón ánh sáng mặt trời, mãnh liệt và hiên ngang – hình ảnh cây xà nu được bạn bè Nguyên Ngọc ví như phẩm cách con người ông.
Nếu viết về sự nghiệp của Nguyên Ngọc cần xét ở nhiều mặt: người chiến sĩ, nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo dục. Vì thế một bài viết e rằng khó có thể nói trọn hết quá trình làm việc, những công lao, đóng góp, chỉ xin “khoanh” vào những thất bại của ông mà bạn bè chứng kiến, để thấy được sự kiên định, dũng cảm đương đầu, dám dấn thân mạnh mẽ giống như hình tượng cây xà nu của Nguyên Ngọc.
Nhắc đến Nguyên Ngọc thường người ta nghĩ ngay đến mảnh đất nhiều duyên nợ với ông – Tây nguyên. Những tháng năm lăn lộn chiến đấu ở mặt trận Tây nguyên đã giúp Nguyên Ngọc có điều kiện gắn bó, hiểu biết từ thiên nhiên, cho đến văn hóa, con người nơi đây. Tình yêu đã thôi thúc ông đi sâu nghiên cứu trên nhiều bình diện, và trở thành cuốn từ điển sống về Tây nguyên. Hầu hết các sáng tác văn học của ông cũng chủ yếu lấy cảm hứng từ con người, vùng đất này. Nhưng Tây nguyên cũng chính là nơi ghi dấu thất bại, nỗi đau lớn của Nguyên Ngọc.
Những năm 1950, Nguyên Ngọc tham gia chiến đấu, giác ngộ đồng bào dân tộc chống thực dân xâm lược ở Tây nguyên. Khi quay trở lại nơi này vào những năm 1990, Nguyên Ngọc nhận ra, chính ông đã vô tình tham gia vào công cuộc “tàn phá” thế giới nguyên thủy đẹp đẽ, văn hóa của những dân tộc thiểu số không còn được định hình như vốn đã tồn tại. Vậy là, Nguyên Ngọc ra sức “cứu” Tây nguyên, cứu lại nền văn hóa đặc thù, trả lại về nguyên sơ, nhưng điều đó gần như là vô vọng. GS Huệ Chi đã đau lòng khi phải thẳng thắn nói rằng: “Nguyên Ngọc là một cây xà nu thất bại”. Còn tri kỷ của ông – GS Hoàng Tụy thì buồn rằng, có những lúc lời khuyên, cảnh báo sáng suốt của Nguyên Ngọc đã không được lắng nghe, một thời chính điều đó ít nhiều là nguồn gốc của những bất ổn.
Cuộc đời Nguyên Ngọc đã trải qua không ít những thất bại, sóng gió như thế. PGS Phạm Vĩnh Cư không thể quên sự “sụp đổ” của Trường viết văn Nguyễn Du năm xưa. Hồi đó, Nguyên Ngọc là người luôn tràn đầy nhiệt huyết với việc bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ nhà văn đi sau tại trường. Ông đưa ra tôn chỉ: người viết văn đến đây để chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi xa. Nhưng đáng tiếc, không mấy người đồng tình, thậm chí ngay cả những người mà Nguyên Ngọc dành nhiều tâm sức cũng không nể phục ông. Nhiều người còn tỏ ý xúc xiểm, cho rằng: “Đất nước đứng lên đã là quá khứ”.
Về sau này, Phạm Vĩnh Cư biết được, ngôi trường không thể tồn tại do bị cho là của Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng cũng giống như Phạm Vĩnh Cư, khi nhắc đến trường viết văn Nguyễn Du, nhiều người vẫn nghĩ đến hình ảnh một trong những người có công tạo dựng là Nguyên Ngọc. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì lại nuối tiếc về một thời vàng son của tạp chí Văn Nghệ vào những năm 1980. Nguyên Ngọc là một trong những người có công đầu vực dậy tờ tạp chí, biến nó trở thành biểu tượng cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam đổi mới. Nhưng đáng tiếc, sau đó một thời gian, Nguyên Ngọc cũng ra đi.
Cuộc đời ông có nhiều lúc thăng lúc trầm, bạn bè giúp đỡ nhiều, mà kẻ ngăn trở cũng chẳng ít. Khi đã ở tuổi 75 – chặng đường gần cuối cuộc đời, Nguyên Ngọc vẫn đau đáu với việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Năm 2004, Nguyên Ngọc, GS Hoàng Tụy và hơn 20 nhà tri thức khác cùng tập hợp, viết bản kiến nghị giải pháp chấn hưng nền giáo dục gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo. “Trong quá trình thảo luận, chúng tôi nảy ra ý kiến cần thành lập một trường đại học mới thực hiện những ý tưởng chấn hưng” – GS Hoàng Tụy nhớ lại. Ba năm sau, khi ý định trở thành hiện thực đã vấp phải rất nhiều lời phản đối, chỉ trích. Những cơn sóng lớn lại ập đến tới tấp khi Nguyên Ngọc đứng ra thành lập Trường đại học Phan Châu Trinh tại Hội An. GS Huệ Chi không quên câu chuyện, thời gian đó có nhà quản lý giáo dục đến tìm gặp nhờ đăng bài phản đối Nguyên Ngọc với lý do ông chỉ là nhà văn, không đủ tư cách lãnh đạo trường đại học. Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua, nhưng Nguyên Ngọc vẫn không thấy mệt, ông chưa muốn lui về. Năm nay đã 80 xuân, cái tuổi mà người ta cần nghỉ ngơi, an nhàn, thì ông vẫn muốn tiếp tục cống hiến sức lực, cho sự tồn tại, phát triển của ngôi trường, ông hứa sẽ còn đồng hành trong 10 năm nữa.
Bạn bè, người thân lo làm thượng thọ cho ông, còn Nguyên Ngọc thì chưa bao giờ nghĩ mình đã đến bát tuần. Ông bảo, vẫn thấy mình còn trẻ, còn nhiều việc cần làm. “Hình như những cái mình tích lũy lâu nay giờ khiến cho mình thấy có bao nhiêu việc cần hoàn thành, chừng nào có thể làm được tôi sẽ làm. Sợ thời gian không còn nhiều là mối lo lắng, suy nghĩ của tôi bây giờ” – Nguyên Ngọc nói.
Sức làm việc của ông khiến người ta phải nể phục, ông vẫn tiếp tục đi trên con đường “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” đã chọn. Nguyên Ngọc nói, ông học được tính lạc quan, trăm lần bại cũng không được nản từ cụ cố Nguyễn Công Trứ. Và bài học đó vẫn theo ông cho đến tận bây giờ.
Ngọc An
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.