Trước khi tôi đi bộ xuyên Việt, một số người bảo “trên đường đi, thỉnh thoảng nhảy xe buýt mà đi, không ai biết đâu”. Trên đường đi cũng vài chục người bảo như vậy.
>> Nguyễn Quang Thạch: “người mù đi bộ xuyên Việt ăn mày sách”
>> Chương trình sách hóa nông thôn và những cuốn sách đổi đời
Có thể một số người đùa nhưng nghi ngờ việc làm tử tế của người khác là căn bệnh của nhiều người trong xã hội của chúng ta. Căn bệnh này phổ biến vì sự dối trá, đạo đức giả, tô vẽ…đã kéo dài quá lâu.
Các bạn nên biết những gì tôi làm, về mặt ngắn hạn là nâng cao dân trí, lan truyền tinh thần phụng sự xã hội vô điều kiện. Về mặt dài hạn, tôi muốn đưa vào tiềm thức đất nước tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội, tinh thần tự cường…bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của đôi bàn chân, đôi bàn tay, trí não và trái tim yêu đồng loại của mình.
Chắc chắn rằng nếu không có hình ảnh ông nội tôi ngày lại ngày cầm tay chỉ việc, hỗ trợ tư liệu sản xuất giúp nhiều nông dân trong vài thập kỷ (theo lời kể của hậu duệ của nhiều nông dân tôi gặp); không có em ông nội tôi làm trường cho nhiều đứa trẻ học trong thời Pháp thuộc; không có cha tôi dạy toán miễn phí trong 20 năm cho hàng trăm đứa trẻ; nếu không biết về sự tận tâm vì đất nước và nhân loại của nhiều con người, thì tôi không đeo đuổi tủ sách 18 năm nay. Đối với tôi, việc đưa vào tiềm thức dòng họ, tiềm thức xóm làng, tiềm thức đất nước và xa hơn nữa là tiềm thức nhân loại sự tận tâm, sự cống hiến vì sự tiến bộ chung là THIÊNG LIÊNG, bởi thế SÁCH HÓA NÔNG THÔN VIỆT NAM không có chỗ cho sự dối trá và bất cứ sự tầm thường nào.
Mách nhỏ với các bạn hay nghi ngờ người khác cách để tin vào người khác là các bạn HÃY TRUNG THỰC VỚI CHÍNH MÌNH, bớt làm việc tầm thường như ăn cắp, ninh bợ, vô cảm trước nỗi đâu xã hội…mà hãy nâng tầm của mình bằng những việc làm tử tế.
Trong hành trình đi bộ xuyên Việt, nếu bỏ sót nửa bước chân trên QL1A, thì chính tôi xấu hổ với chính mình, xấu hổ với không gian nước Việt.
Nguyễn Quang Thạch