Hội họa với Nguyễn Việt Hòa – thầy giáo chủ nhiệm câu lạc bộ Cốc cốc cốc – là dậy sớm quét vỉa hè rộng chưa đến 1 m, thoảng mùi cá tươi từ bên kia đường phả sang.
Cách đây sáu năm, ngày mới của thầy giáo Nguyễn Việt Hòa luôn bắt đầu bằng… vớ lấy một cái chổi. Kề vai áp má với chợ của khu tập thể Thanh Xuân, thầy Hòa quét hè lớp trong tiếng cá tươi quẫy oàm oạp văng tóe nước chậu nhà hàng cá, tiếng chặt xương chan chát của hàng thịt lợn, tiếng người qua lại đốp chát nhau. Chợ mà!
Những ngày ấy, người nóng mắt với thầy cũng kha khá. Mấy bà buôn quần áo mất chỗ tường nhà người khác mà mình vẫn bày hàng. Dưới lòng đường, mấy chị quang gánh thúng mủng mất chỗ đặt gánh. Đám thanh niên mất chỗ tụ tập buôn chuyện buổi tối. Mấy cậu nghiện mất chỗ chích choác về đêm. “Thậm chí có đám thanh niên còn đến gây gổ, không cho tôi dạy vẽ ở đây nữa”, thầy Hòa nói. Đáp lại, thầy tiếp tục dọn vỉa hè đến độ ngồi bệt xuống quần cũng không bẩn, rồi bày giá vẽ với rất nhiều tranh. “Biển hiệu” của thầy là vậy. Rồi bố mẹ tụi trẻ đi chợ qua ghé dần vào đăng ký…
Thầy Hòa không dạy theo giáo trình thường thấy – bắt các cháu tô màu theo những bức vẽ hoạt hình không màu. Học trò đến lớp cũng không phải mang lỉnh kỉnh giấy, bút, ba lô, bảng vẽ như tới các trung tâm, nhà thiếu nhi khác. Thầy Hòa đã mua màu, mua giấy tại cửa hàng họa phẩm hẳn hoi. Đặt chân đến lớp học, các em đương nhiên đã được thầy đối xử bình đẳng như giữa “dân nghệ” với nhau.
Là dân nghệ cũng có nghĩa là làm nghệ thuật không giới hạn. Lớp học của thầy Hòa có những buổi học vẽ người mà mẫu nằm thẳng lên trên tờ giấy. “Tôi ghép bàn lại, trải một tờ giấy thật to, rồi một bé nằm lên. Cả lớp xúm quanh vẽ đường viền trên giấy cho bạn. Sau đó tất cả cùng nhau vẽ mắt, mũi, miệng, chân, tay. Ai thích dùng bút thì dùng bút, ai không thích thì lấy cả bàn tay chấm màu mà bôi”, thầy Hòa hào hứng kể. Những buổi học vẽ như vậy khiến các em cảm nhận cơ thể tốt hơn, cũng đỡ nhút nhát. Vẽ như là trò đùa, không phải chuyện căng thẳng như phụ huynh vẫn lo “chả hiểu cháu có năng khiếu không”.
“Con trai tôi vốn không thích vẽ lắm, nhưng sau khi đi học Cốc cốc cốc về đã thay đổi hẳn. Cháu cũng hoạt bát lên rất nhiều, đến mức tôi cũng không hiểu sao cháu lại tự tin đến thế”, một phụ huynh chia sẻ.
“Tôi nghĩ tự tin vì mỗi tác phẩm của các em đều được tôn trọng”, thầy Hòa nói. Mỗi bé Cốc cốc cốc đều được chọn lấy tác phẩm của mình để treo trên tường lớp. Một số bức vẽ khác còn được treo trên khung, giá đưa ra triển lãm ngoài vỉa hè. Có của, các bé cũng góp công bằng cách quét vỉa hè lớp, định kỳ hằng tuần. Sau quét hè tới quét sân. Sân chơi tập thể – nơi các em chơi kéo co và nhiều trò vận động khác cũng được nhặt lá, gom rác.
“Khi mới tới dạy học, tôi rất ngạc nhiên vì những khối bê tông cũ nhỏ như thùng rác nhựa gắn chết vào sân chơi tập thể”, thầy Hòa nhớ lại. Ngạc nhiên vì không trẻ nào có thể chạy chơi thoải mái với những chướng ngại vật như thế. Nhưng việc gắn chặt bằng xi măng cho thấy đấy hẳn phải là việc có chủ ý. Sau dần, thầy mới biết “trận địa” ấy do chính người lớn xung quanh sân bày ra cốt không cho trẻ nô đùa vì sợ ồn.
Sau này, trong một buổi ngoại khóa, thầy Hòa đã đưa học trò ra sân. Không chỉ nô đùa, các em được hướng dẫn cách trang trí những chiếc cọc bê tông, rồi bày triển lãm tranh tại đó. “Tôi nghĩ đến các nghệ sĩ nghệ thuật thực địa land art từng dùng vải nhựa quây quanh các hòn đảo ở vịnh Briscayne, Florida (Mỹ)”, thầy Hòa nói. Ngay lập tức, sân chơi vốn xám một màu bỗng trở nên đa sắc. Còn lũ trẻ, chúng tin nghệ thuật tự tay mình làm ra có thể thay đổi một khoảng sân, một khoảng trời.
Ngoài đời là thế, trong tranh cũng vậy. Chào thói quen xấu, luôn muốn vẽ như chụp ảnh, vẽ như người lớn, các em tự tạo dựng thế giới của riêng mình. Thế giới của các em có con gà cổ rất dài, mình rất tròn, đuôi tam giá. Mặt trăng có màu vàng ngọt của chuối tiêu chín. Cỏ cây mọc tùy thích và rất xanh, rất đỏ, rất vàng theo từng mảng… Thế giới ấy thiên thần đến mức, đáp lại lời khen một bức vẽ hòa vào đa sắc tranh treo tường lớp, thầy Hòa chỉ nhã nhặn: “Dạ, đấy không phải là bé nào vẽ mà là họa sĩ nổi tiếng Joan Miro ạ”.
Ai đó không biết chứ các em Cốc cốc cốc không lạ với họa sĩ này. Xem tranh các họa sĩ nổi tiếng, từ nhiều nền văn hóa cũng là việc thường xuyên ở Cốc cốc cốc. Các em cũng được kỷ niệm những ngày văn hóa khác theo kiểu của mình – đi dã ngoại. Vì thế, ngày bảo tàng thế giới các em được tham quan Bảo tàng Mường. Khi cánh cửa ô tô mở ra, một thế giới với những cọng nước, cỏ cây, nhà sàn ập đến…
“Thứ bảy hằng tuần, mẹ đưa tôi đến học lớp vẽ Cốc cốc cốc. Mà ở đấy thích lắm cơ”, bé Minh Anh tâm sự. “Có rất nhiều chủ đề để vẽ. Ví dụ như vẽ theo âm nhạc này, vẽ bằng tay này. Tôi vẽ trên một khổ giấy to bằng bút lông và lấy màu nước bôi vào tờ giấy trắng, sau đó lấy nước lọc pha thêm vào màu và thổi bay màu ra khắp nơi trên giấy dó. Và nếu ai hỏi tôi rằng, bạn có muốn lớp mở thêm vài ngày trong tuần không, thì chắc chắn tôi sẽ nói có, tôi muốn quá đi ấy chứ”.
Hòa đã đi thật dài với hành trình gõ cửa những tâm hồn trẻ, gõ cốc cốc cốc như chính nhà thơ Võ Quảng đã gõ cửa trái tim anh. Việc dạy học không những không cho anh nhiều tiền, trái lại, nó còn khiến anh phải long đong xin tiền cho những đứa trẻ yếu thế. Để chúng có giấy mà vẽ, có bút mà tô. Nhưng sau bao ngày dài, anh không còn cô độc. Mỗi học trò lớp vẽ, như thầy, đều thấy rõ mình cần sống với bạn bè, để chia sẻ thế giới mình tưởng tượng. Nhiều bức vẽ của các em được dùng minh họa cho truyện tranh của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Như một câu thơ, như một tên triển lãm của chính Cốc cốc cốc, trước mắt họ là “Cả đất trời đang chờ đón”…
Trinh Nguyễn
Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.