Nhà thơ Thanh Thảo có nhận xét xác đáng về nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn: “Gọi Vũ Ngọc Liễn là “Nhà Đào Tấn học” không chỉ vì ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, mà chính vì ông đã chọn Đào Tấn và nghệ thuật tuồng của cụ Đào như một nghiệm sinh của mình. Vũ Ngọc Liễn đọc Đào Tấn, học Đào Tấn, nghiên cứu Đào Tấn, và cuối cùng ông chiêm nghiệm Đào Tấn, rồi có thể ông thiền Đào Tấn, thường khi là với một nụ cười lặng lẽ. Nó mất của ông cả đời người. Và được cho ông cũng cả đời người”.
Văn giới, báo giới tặng cho Vũ Ngọc Liễn khá nhiều mỹ danh: “Lão ngoan đồng mê hát bội”, “Quý nhân ở Quy Nhơn”, “Kẻ sĩ đất thang mộc”…, xuất phát từ những đóng góp quý giá của ông cho nghiên cứu danh nhân Đào Tấn, cho nghệ thuật hát bội, và từ những trẻ trung vui tính của ông trong giao tiếp. Còn ông tự nhận về mình: “Tui là người ham chơi!”.
Người ham chơi “trẻ trung” này nay cận cửu tuần và đã có một sự nghiệp rất bề thế về lĩnh vực “khó xơi”: nghiên cứu sân khấu hát bội và những tác giả lừng lẫy: Đào Tấn, Nguyễn Diêu. Mới đây, hai công trình: Đào Tấn (3 tập: Đào Tấn – thơ và từ, Đào Tấn – tuồng hát bội, Đào Tấn – qua thư tịch) và Góp nhặt dọc đường của ông vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2012.
Nếu như công trình Đào Tấn là gần nửa thế kỷ sưu tầm, khảo dị, hiệu đính, biên dịch, chú giải, góp phần hàng đầu cho việc minh định giá trị và tôn vinh nhà thơ, nhà soạn tuồng kiệt xuất – danh nhân Đào Tấn, thì Góp nhặt dọc đường là tập hợp phần lớn những bài nghiên cứu, tìm tòi, minh xác về lịch sử và những giá trị độc đáo của nghệ thuật hát bội và hát bội Bình Định. Một đời ông dành trọn cho Đào Tấn, cho hát bội và thực sự đã là một tên tuổi hàng đầu đất nước về mảng này.
Mới đây, tháng 5.2012, tại hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu, tôn sư và nghiệp sư Đào Tấn – cuộc hội thảo tầm quốc gia ở Bình Định, về căn bản, có được là từ công trình Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ của Vũ Ngọc Liễn. Nhiều bậc trí giả, nhà nghiên cứu đăng đàn đều hết mực cám ơn và ghi nhận công lao của ông. Riêng tham luận Giáo sư Vũ Khiêu gửi vào: Nguyễn Diêu – một bi kịch thầm lặng có những nhận định: “Quyển sách của Vũ Ngọc Liễn đã đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng trong việc phát hiện và tôn vinh một nhà văn mà vị trí phải ở ngang hàng với những nhà văn lớn của dân tộc”, “Chưa có quyển sách nào mà tôi đã dành nhiều thời gian để đọc lại, nghiền ngẫm từng câu, từng chữ như cuốn sách này”…
Để in được cuốn sách này vào tháng 9.2011, Vũ Ngọc Liễn đã vượt qua những khó khăn về tuổi tác, sức khỏe một cách ngoan cường. Ông viết cuối sách: “Đáng lẽ sách này chào đời vào cuối năm 2010. Do vì đang làm giữa chừng thì bệnh tình đột ngột xuất hiện tưởng chừng bỏ cuộc: nói năng cứng miệng, đi lại khó khăn. May sao sau thời gian chữa trị đơn sơ mà sức khỏe phục hồi nhanh chóng, tuy chưa được như trước nhưng có thể cầm bút, hình như có âm phò mặc trợ vậy”.
Ông nằm viện cả tháng trời đến giờ tiếng nói vẫn chưa bình thường nhưng sách đã kịp xong, đã kịp góp phần quan trọng mặc định tài năng kiệt xuất của “cụ Tú Diêu” – người thầy Đào Tấn, với những trứ tác: Nguyệt Cô hóa cáo, Ngũ hổ bình Tây, Liệu đố… Thật lạ cái duyên may này, cũng như 35 năm trước, 1977, khi ông còn là cán bộ nghiên cứu chuyên trách về nội dung chuẩn bị cho hội thảo quốc gia về Đào Tấn lần thứ nhất, đến phút chót, vài hạn chế tầm nhìn của một số vị chức sắc hàng tỉnh về ông “quan” Thượng thư Đào Tấn, cuộc hội thảo suýt bỏ cuộc. Rồi cũng qua, và thành công ngoài mong đợi cuộc tôn vinh vị “Hậu Tổ tuồng”, mở đầu cho những hội thảo lần hai, lần ba sau đó.
Với cái sở học chuyên ngành Hý khúc học viện rồi làm nghiên cứu sinh, tất cả đến 7 năm ở Trung Quốc, Vũ Ngọc Liễn đã được trang bị một kiến văn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu. Đặc biệt ông nhắc mãi tới người thầy Trương Canh với câu nói nhớ đời: “Xét cho cùng, khoa học là sự chính xác!”. Câu nói đã ảnh hưởng đến suốt đời cầm bút của ông và trên con đường hình thành tầm vóc một nhà nghiên cứu, ông đã cẩn trọng gạn đục khơi trong từng câu chữ, từng biện giải. Và sẵn sàng học tập mọi nơi mọi lúc, cả những người còn rất trẻ, học tập và cầu thị với những bạn xa chưa biết mặt. Sự cầu thị này đã được nhiều đền đáp: những cổ ngữ, địa danh xưa chưa kịp hiểu đã có những “đồng điệu” đáp lời. Thẳng thắn, trung thực và cầu thị cũng là những đức tính cần cho nghiên cứu khoa học mà ông là một tấm gương đẹp.
Nhiều người trùng nhận xét rằng duyên may cho ông và cho hát bội, vì nếu chỉ làm cán bộ ở Bộ Văn hóa, Vũ Ngọc Liễn cũng chỉ làm đến Cục, Vụ gì đó là cùng. Về với Bình Định, với cái nôi hát bội, với nghệ sĩ và công chúng hát bội, với các bậc túc nho, với con cháu cụ Đào Tấn, cụ Tú Diêu, ông mới có thể hoàn thành những công trình quan trọng đã nêu. Hoàn thành kịp lúc trước khi mọi thứ mai một.
Cứ nghĩ, sau mỗi “đại công cáo thành”, ông hẳn xoa tay mãn nguyện rồi nghỉ ngơi, tết này ông vào hàng chín mươi rồi còn gì. Vậy mà “người ham chơi” này chưa chịu dừng. Ông đang cùng vài cộng sự chuẩn bị các thủ tục lập “Quỹ Vũ Ngọc Liễn – khuyến tài hát bội, bài chòi Bình Định”, ngày 18.11 này ra mắt. Bằng uy tín và đóng góp một đời của mình, ông muốn “mọi người cùng chung tay ghé vai đỡ “Tổ đình” đang liêu xiêu”. Thêm việc quan trọng nữa, là bắt tay khẩn trương quy tập, biên khảo, chú giải 100 vở Tuồng cổ hát bội, in đóng tập từng vở cẩn trọng, công phu. Việc cần thiết để lưu giữ và minh định văn bản vốn lâu nay lưu truyền kiểu từ các ông bầu với những chép tay tam sao thất bổn. Đã có những vở nên hình nên vóc trang trọng, mẫu mực.
Sau giải phóng, khi ông vào Sài Gòn tìm gặp bà Chi Tiên (bà Án Lãm) sưu tập tài liệu chuẩn bị cho hội thảo, với tất cả lòng trân trọng, bà con gái cụ Đào Tấn ghi tặng Vũ Ngọc Liễn 4 chữ: “Hàm ân bất ký”, nghĩa là lòng biết ơn không kể xiết!
Cũng vậy, các thế hệ mai sau hẳn sẽ nói lời “hàm ân” từ những công trình ông dốc cả đời cho hát bội và Đào Tấn, Nguyễn Diêu, đã làm và đang làm, như những giá trị căn bản, kịp thời để bảo tồn, tôn vinh vốn văn hóa quý của dân tộc. Dù thật nhiều gian nan… Ông là tấm gương đẹp dám dấn thân, mất cả một đời để được một đời, và câu hát trứ danh trong tuồng Đào Tấn cũng phần nào như vận cho ông: Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/Gian nan là nợ anh hùng phải vay.
Người viết bài này hơn một lần đọc câu của cụ Đào để động viên ông lúc gặp chuyện nhiễu nhương, ông cười khà và bật ra câu cửa miệng “gian nan cái đ… gì!” và thêm, chỉ mong làm xong cái đống văn bản tuồng hát kia…
Lê Hoài Lương
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.