Trong cuộc sống hối hả với những toan tính, bon chen vẫn xuất hiện nhiều việc làm tử tế. Và có lẽ để xã hội hướng nhiều hơn đến việc làm ý nghĩa nhân văn và cũng là nhắc nhở mọi người cần làm nhiều việc tử tế để góp phần giáo dục thế hệ trẻ, trong chương trình Chuyển động 24h mỗi ngày của Đài Truyền hình Việt Nam đã dành một chuyên mục giới thiệu “việc tử tế”. Nếu bạn quan tâm đến cộng đồng, xã hội thì bạn sẽ thấy xã hội còn có rất nhiều người đã làm việc tử tế đáng trân trọng và nêu gương.
Có một điểm chung của tất cả những nhân vật trong bài viết là họ muốn lặng lẽ làm việc có ích cho đời, không muốn “lên báo” hoặc nêu tên vì họ cho rằng những việc đó là bình thường, không đáng kể. Nhưng việc tử tế ấy, dù chỉ là một phần những gì tác giả bài viết biết đến, cũng rất đáng trân trọng và nhân rộng trong xã hội.
Bà cụ dành tiền tuất liệt sĩ để giúp người nghèo
Không khó khăn lắm khi tìm đến nhà bà B.T.T, bởi nhiều người dân trong tổ và cán bộ khu phố biết đến do bà làm nhiều việc thiện và hay giúp đỡ người khác. Bà B.T.T hiện đang sống một mình tại khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú (TX. Đồng xoài). Năm nay bà đã bước sang tuổi 80, sức khỏe yếu, nhưng còn khá minh mẫn. Bà được hưởng chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ tái giá. Cuộc sống không dư giả, nhưng bà quan niệm “từng trải qua cảnh nghèo khó, bây giờ đỡ hơn nên mình bớt ra một chút để giúp người khác đang gặp khó khăn, bệnh tật. Đây là điều bình thường và nên làm”.
Những năm trước, khi còn khỏe, hàng tháng bà lại đến chùa Quang Minh (TX. Đồng Xoài) khi góp vài trăm ngàn đồng, khi mua bao gạo nhờ xe ôm chở đến để góp thêm vào bếp ăn tình thương của chùa nấu cơm cho bệnh nhân, người nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ông Trần Văn Sơn, Trưởng khu phố Phú Mỹ cho biết: Bà cụ thảo lắm! Trong khu phố, trong tổ vận động đóng góp giúp đỡ người nghèo, gia đình khó khăn, hoặc ủng hộ đồng bào bị bão lụt là bà đóng góp, ủng hộ ngay. Những phần quà tết của thị xã, của phường tặng đối tượng chính sách, sau khi nhận bà cũng đem tặng lại các hộ khó khăn trong tổ, xóm.
Cách đây vài tháng, bà tìm đến trao cho chị Bùi Thị Thu Hường, Phó phòng Lao động – thương binh và xã hội thị xã Đồng Xoài 5 triệu đồng. Bà nói rằng, đây là số tiền dành dụm từ tiền tuất liệt sĩ hàng tháng và nhờ phòng mua quà tết tặng cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết Ất Mùi này. Bà còn dặn, nhớ là phần quà nào cũng phải có 10kg gạo. Có thể những việc làm của bà không lớn về vật chất, nhưng nó vô cùng lớn về cách nghĩ, cách làm và mang đầy tính nhân văn.
Người nhặt rác hàng ngày tại tượng đài chiến thắng Đồng Xoài
Đã gần 1 năm nay, cứ mỗi buổi sáng đi tập thể dục là bà Nguyễn Thị Lan, khu phố Xuân Bình, phường Tân Bình lại mang theo bịch ni-lon để lượm rác trong khuôn viên Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài. Mặc dù đã có nhân viên vệ sinh quét dọn thu gom rác, nhưng ở nhiều chỗ khuất vẫn còn rất nhiều rác như vỏ bịch bánh, hộp, túi ni-lon đựng đồ ăn, vỏ chai nước… thậm chí là cả kim tiêm… Bà Lan nói: “Tượng đài là chốn linh thiêng, tôn thờ các anh hùng liệt sĩ mà để rác như thế là rất có lỗi. Trong số các chiến sĩ, anh em hy sinh trận Đồng Xoài năm xưa có rất nhiều người là đồng đội của tôi”.
Vào các dịp lễ, rác nhiều bà Lan đi cả buổi chiều mang theo bao tay để lượm, hốt rác vào bịch. Bà bảo, mới đầu thấy bà lượm rác nhiều người nhìn cho là lẩm cẩm, nhưng dần dần họ nhận ra việc làm ý nghĩa của bà nên cùng phụ lượm, làm sạch khu tượng đài.
Không chỉ gom, lượm rác mà bà còn nhỏ nhẹ nhắc những người đến nghỉ ngơi, hóng mát tại tượng đài, nhất là các cháu thanh, thiếu nhi bỏ rác vào bịch hoặc cho gọn vào một chỗ để người quét rác dễ thu gom…
Việc làm nhân văn của nhóm “Hạt gạo ấm lòng”
Cái tên Đào Thị Xuân ở ấp 3, xã Tiến Thành có thể đã rất quen thuộc với nhiều người, bởi chị luôn gắn với những việc làm từ thiện, nhân ái. Từ năm 2006 đến nay, chị đã trực tiếp thu nhận, cưu mang, chăm sóc, đưa đi chữa bệnh tại bệnh viện tâm thần và trung tâm bảo trợ xã hội 24 người bị bệnh tâm thần, lang thang, không nơi nương tựa tại Đồng Xoài. Bắt đầu từ năm 2006, dù gia đình chẳng khá giả, nhưng chị đã bớt một phần chi tiêu để hỗ trợ 2 gia đình đặc biệt khó khăn, khánh kiệt vì bệnh tật trong ấp, mỗi tháng 10kg gạo/hộ. 2 phụ nữ của 2 gia đình đã bật khóc vì xúc động trong ngày đầu tiên nhận gạo. Với hoàn cảnh của họ lúc đó, 10kg gạo là quá lớn và vô cùng cần thiết. Từ đó, chị quyết tâm duy trì hỗ trợ gạo đều đặn hàng tháng và còn đưa ra ngày cụ thể trong tháng để nhớ và có trách nhiệm hơn, đồng thời vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, mạnh thường quân khác thành lập nhóm “Hạt gạo ấm lòng” để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Chị Xuân nói: “Sở dĩ mình đặt tên nhóm là Hạt gạo ấm lòng vì mỗi suất gạo có ý nghĩa rất thiết thực. Nó làm “ấm lòng” cả người được nhận gạo và người giúp đỡ”.
Đến nay, nhóm “Hạt gạo ấm lòng” do chị sáng lập đã có nhiều thành viên tham gia đóng góp, ủng hộ thường xuyên, số gạo hàng tháng lên đến 540kg, giúp 54 hộ. Hiện chị Xuân còn vận động các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện mở thêm điểm cấp gạo của nhóm tại các huyện, thị xã Bình Long, Hớn Quản và Bù Gia Mập với mong muốn giúp đỡ được nhiều người nghèo, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5 năm không nhận tiền trợ cấp thương binh để giúp người nghèo
Tại thị xã Đồng Xoài, cái tên Lâm Kiến An được nhiều người biết đến như một “đại gia” ngành xây dựng, cầu đường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ông tên đầy đủ là Trần Quốc Lâm, thương binh 2/4 và 5 năm qua đã giao toàn bộ tiền trợ cấp thương binh của mình cho Phòng Lao động – thương binh và xã hội thị xã Đồng Xoài đưa vào quỹ Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, quỹ Vì người nghèo của thị xã. Với hơn 128 triệu đồng từ tiền trợ cấp thương binh của ông Lâm, Ban vận động quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, quỹ Vì người nghèo thị xã đã dùng hỗ trợ xây 1 căn nhà tình nghĩa, tặng 4 sổ tiết kiệm gia đình chính sách và hỗ trợ xây 5 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Ông nói: “Kinh tế gia đình cũng ổn, trong khi nhiều anh em thương binh, gia đình chính sách khác và nhiều hộ gia đình còn rất khó khăn nên giúp được ai điều gì là mình thấy vui rồi”.
Theo Báo Bình Phước