Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp” do Trung tâm BSA & Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời phối hợp tổ chức đang tiến đến vòng bán kết, hứa hẹn đây là cuộc tranh đua quyết liệt, hấp dẫn của các chủ dự án nhằm tìm kiếm suất tham dự vòng chung kết. Vì sao cuộc thi này ngày càng được quan tâm nhiều không chỉ là các bạn trẻ khởi nghiệp mà còn có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và kể cá các cơ quan chức năng?
Dưới đây là những điều thú vị xung quanh Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” do Dự án Sáng tạo Khởi nghiệp SKC đã kì công kết nối với các ban ngành đoàn thể địa phương để tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, mời gọi các chuyên gia hỗ trợ, tìm gặp các chủ dự án và khuyến khích những dự án có tính khả thi, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng tham gia cuộc thi. Đây là những điều hoàn toàn khác biệt với những cuộc thi khởi nghiệp khác từng được tổ chức tại Việt Nam.
1. Cuộc thi chuyên về nông nghiệp
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp” do Trung tâm BSA & Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời phối hợp tổ chức là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Ở mùa thi đầu tiên vào năm 2015, ngôi quán quân thuộc về nhóm thanh niên khởi nghiệp Ninh Thuận do Hoàng Quý Dương làm thủ lĩnh với dự án “Cơ sở cung cấp nho xanh an toàn và dịch vụ đi kèm”. Bước sang mùa thứ 2, năm 2016, chú ngựa ô can trường Võ Văn Tiếng, tỉnh Đồng Tháp đã xuất sắc đoạt giải nhất với dự án nông nghiệp là “Sản xuất gạo sạch Tâm Việt”.
2. Có tính định hướng dài hạn
Đây là cuộc thi được thực hiện trong 3 năm liên tiếp, ngày càng thu hút được sự quan tâm của thanh niên khởi nghiệp, các CLB Làng nghề, chính quyền, đoàn thể nhiều địa phương. Nếu như mùa đầu tiên, chỉ có 25 dự án thì đến mùa thứ 3 này, số dự án tham gia lên tới 117. Với chiều hướng tích cực như hiện nay, chắc chắn cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp sẽ được duy trì và kéo dài thêm ở nhiều năm sau.
3. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn
Khó có cuộc thi nào như Dự án khởi nghiệp mà trước đó, công tác đào tạo, huấn luyện cho thanh niên khởi nghiệp lại được đầu tư, thực hiện thường xuyên, kỹ lượng. Các khoá tập huấn, đào tạo diễn ra liên tục trong năm, tập trung nhiều ở các tỉnh, thành khu vực Trung và Nam bộ như: Bình Thuận, Khánh Hoà, Lâm Đồng, TP.HCM, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang… Ở khu vực miền Bắc, các lớp tập huấn đã diễn ra tại Hà Nội trong năm 2017 với 2 kỳ liên tiếp vào tháng 6 và tháng 7. Mỗi năm, chương trình Sáng tạo Khởi nghiệp (SKC) tổ chức từ 25 đến gần 40 buổi tập huấn, giao lưu chia sẻ, tham quan mô hình dành cho khoảng 1.000 thanh niên thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
4. Gần 30 chuyên gia hỗ trợ
Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 30 chuyên gia luôn đồng hành cùng cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm BSA & Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời phối hợp tổ chức thông qua các buổi huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm. Trong đó phải kể đến những chuyên gia uy tín như chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa – Giám đốc Công ty Trương Đoàn; bà Nguyễn Phi Vân – Chuyên gia nhượng quyền thương hiệu; ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty Vinamit; ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc công ty tư vấn The Pathfinder; anh Nguyễn Thành Long – Giám đốc truyền thông của Trung tâm BSA; anh Lê Đức Duy – Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trà Quế; ông Nguyễn Văn Tòng, một chuyên gia có kinh nghiệm hơn 20 năm trong bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối, từng làm việc cho những tập đoàn lớn như Trung Nguyên, Vinamilk… Những chuyên gia này đã hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên khởi nghiệp, các CLB làng nghề truyền thống, doanh nghiệp vừa và nhỏ các tỉnh thành trong việc xây dựng dự án, thiết kế bao bì, khai thác thị trường, các phương pháp marketing…
5. Được tham quan mô hình thực tế
Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, ngoài việc tập huấn, huấn luyện cho thanh niên khởi nghiệp, Dự án sáng tạo khởi nghiệp SKC thường xuyên khảo sát, tham quan thực tế các mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ tại nhiều tỉnh, thành. Các chuyến tham quan thực tế này luôn có sự đồng hành của chuyên gia của nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, chuyên gia xây dựng thương hiệu, marketing… sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kỹ năng, kiến thực để các dự án hoàn thiện và phát triển tốt. Nhiều dự án nông nghiệp có tính khả thi, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, tận dụng tốt nguồn tài nguyên bản địa được mời gọi, khuyến khích tham gia cuộc thi để được tích luỹ thêm những kinh nghiệm thiết thực, từ đó áp dụng vào thực tế, tránh được những rủi ro đáng tiếc.
6. Hướng dẫn cách thuyết trình, trưng bày các dự án
Với các cuộc thi khởi nghiệp khác, việc huấn luyện, hướng dẫn cách thức viết hay trình bày bài thi hầu như không có. Tuy nhiên, ở cuộc thi Dự án khởi nghiệp, tất cả dự án lọt vào bán kết đều được ban tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách viết dự án, cách trình bày bài thi thuyết trình để nói đúng trọng tâm, tăng hiệu quả tương tác với ban giám khảo (Ban giám khảo là các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như nông nghiệp, xây dựng phát triển thương hiệu, phát triển thị trường…).
7. Cuộc thi được quan tâm của lãnh đạo địa phương
Nếu như lần đầu tiên tổ chức, các dự án tham gia đều theo phương diện cá nhân thì 2 lần thi gần đây, nhiều dự án luôn được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. Năm 2016, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan là người luôn tạo điều kiện trong việc tập huấn khởi nghiệp cho thành niên tỉnh nhà, ông cũng theo sát, hỗ trợ tinh thần cho các dự án tham gia cuộc thi.
Năm nay, không chỉ Đồng Tháp mà chính quyền các địa phương khác như Bến Tre, Tiền Giang, Ninh Thuận, TP.HCM, Lâm Đồng, Tây Ninh, An Giang hay Hà Nội… cũng hoà vào sân chơi với các thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, các địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre hay Ninh Thuận đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, từ đó chọn những đề tài, dự án tiêu biểu tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 3.
8. Nơi các dự án khởi nghiệp kết nối với nhau
Thành công của chương trình được nhiều chuyên gia đánh giá cao và ví như “Ngôi nhà khởi nghiệp”. Với những cuộc thi khác, sau cuộc thi, các thí sinh hầu như không có được sự kết nối, liên kết với nhau để phát triển, hợp tác. Tuy nhiên, với Cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp này thì hoàn toàn trái ngược.
Sau mỗi mùa thi, nhiều dự án khởi nghiệp đã liên kết với nhau, tạo thành nhóm khởi nghiệp, cùng hỗ trợ cho nhau về kiến thức, kinh nghiệm hay khai thác những giá trị gia tăng trong từng dự án. Ở mùa thi thứ nhất, thí sinh Lê Thị Hồng, Tây Ninh chuyên về trồng hoa lan đã liên kết với Đặng Văn Thanh, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tạo được vườn lá kiểng khá lớn. Tuy nhiên, vườn lá kiểng của Hồng hiện nay vẫn chưa đủ để cung cấp cho thị trường Tây Ninh và TP.HCM.
Cũng sau cuộc thi lần 2, Lê Thái Sơn – với dự án Ufarm đã tự mở Just Bar tại khu vực quận Bình Thạnh, TP.HCM để kinh doanh các loại trái cây, sinh tố… Khách hàng đến đây ngoài việc được thưởng thức những loại trái cây sạch, ngon và bổ còn có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm như tinh dầu, các loại thảo dược, sản phẩm thổ cẩm… của đồng bào dân tộc Hmong, tỉnh Lào Cai. Đây là những sản phẩm của các thí sinh Má A Nụ, Đoàn Thị Minh Thuỳ cùng nhiều chủ dự án khởi nghiệp khác. Ngoài ra, còn có sự liên kết giữa thí sinh thuộc các nhóm SKC của Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đà Lạt, mang lại hiệu quả tích cực.
Là cuộc thi có thiết kế đầu ra cho các dự án
Với mục tiêu hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp mở rộng thị trường, Ban tổ chức đã xây dựng Phiên chợ Xanh – Tử tế để các dự án tiếp xúc khách hàng. Sau hơn 1 năm hoạt động, phiên chợ đã được người tiêu dùng TP.HCM đánh giá cao vì các loại nông đặc sản có chất lượng, sạch và an toàn. Bên cạnh đó, sản phẩm của một số dự án được BSA tiếp tục được tiếp sức, tạo điều kiện để trưng bày, buôn bán tại các hội chợ thương mại trong và ngoài nước như Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội chợ nông sản mang tầm Quốc gia, do các Bộ, Ngành tổ chức hay Hội chợ Quốc tế Asian – India tại Bangkok, Thái Lan vào đầu tháng 6.2017… Qua những sự kiện mang tầm cỡ này, đã tạo cho các chủ dự án có nhiều cơ hội va chạm thị trường, hiểu biết cách thức kinh doanh, đặc biệt là kết nối được với nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại uy tín.
Bài & ảnh: Anh Tuấn – BSA