Thung lũng Silicon (San Francisco, Mỹ) là nơi tập trung của hàng ngàn công ty về công nghệ nổi tiếng nhất thế giới như Apple, Google, Intel, Yahoo, Uber v.v… Và ở đó hiện đang có Hạnh Nguyễn, 1 cô gái trẻ người Việt “gây chú ý” khi là đồng sáng lập của 1 ứng dụng điện thoại rất được yêu thích.
Rời xa gia đình để đi du học tại Mỹ từ năm lớp 10, sau đó Hạnh chọn ngành Computer Science (khoa học máy tính) tại đại học Arizona State, rồi được Microsoft mời về làm việc khi vẫn còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp Đại Học do đạt điểm tuyệt đối tại Mỹ là 4.0 GPA. Tuy nhiên, để theo đuổi đam mêm của mình, cô đã chuyển lên New York học thêm về thời trang và làm việc cho công ty Rent The Runway, trước khi chuyển đến thung lũng Silicon (Silicon Valley, San Francisco – nơi tập trung của hàng ngàn công ty về công nghê như Apple, Google, Yahoo, Intel v.v…) & trở thành đồng sáng lập một ứng dụng điện thoại đang rất được chú ý tại Mỹ là Stuff N Style – ứng dụng gợi ý lựa chọn những bộ quần áo cho phụ nữ.
Chào Hạnh, ấn tượng đầu tiên của tôi về biết về bạn là “phụ nữ mà lại làm lập trình ứng dụng điện thoại, lại còn làm việc ở Mỹ nữa”, bạn có cảm thấy “phụ nữ” & “lập trình viên” có chút mâu thuẫn gì không?
Tại sao lại mâu thuẫn nhỉ? Ngành lập trình viên không đòi hỏi gì nam giới làm được mà phụ nữ không làm được cả. Có thể đa số lập trình viên là nam giới vì ít phụ nữ đam mê ngành này thôi. Mình không thấy có gì đặc biệt khi là 1 nữ lập trình viên cả.
Đi du học tại Mỹ từ khi mới chỉ là học sinh lớp 10, lý do nào khiến bạn chọn Computer Science (khoa học máy tính)?
Hồi đi học mình chỉ nghĩ theo đuổi ngành gì để sau này dễ xin việc. Mình thấy công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển nhanh, vì thế lúc đó mình chỉ nghĩ nếu học Computer Science (Khoa học máy tính) thì sau sẽ dễ xin việc hơn thôi. Mà đúng như vậy thật, mình được Microsoft tuyển dụng 1 năm trước khi tốt nghiệp, và đến khi tốt nghiệp vẫn có rất nhiều các công ty khác muốn tuyển dụng mình.
Như vậy là khi ở Đại học, bạn cũng phải có 1 thành tích rất “đáng nể” đúng không?
Lúc được Microsoft nhận vào làm, thời điểm đó mình được 4.0 GPA (là điểm cao nhất có thể ở Mỹ). Ngoài ra, mình cũng rất tích cực tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa nữa. Tuy nhiên, mình biết ở Mỹ cũng có rất nhiều bạn học giỏi, nhưng vì theo học các ngành nghề mà xã hội có ít nhu cầu hơn nên sau khi tốt nghiệp cũng vất vả hơn để xin việc làm.
Vậy những khó khăn hay thuận lợi của bạn khi theo học ngành này là gì?
Khoa học máy tính là ngành khoa học kỹ thuật nên chương trình học rất nặng. Tuy nhiên, thuận lợi là đa số các môn học liên quan đến Toán, các môn khoa học tự nhiên và đây đều là sở trường của mình. Mình học rất tốt so với các bạn học cùng lứa, mà như bạn biết đấy, cái gì mình làm tốt thì mình sẽ thích làm hơn và đây chính là tiền đề cho niềm đam mê lập trình của mình, nó cũng khiến mình cảm thấy không có gì khó khăn trong con đường mà mình theo đuổi.
Từng làm việc hơn 5 năm tại Microsoft với vị trí Kỹ sư phát triển phần mềm, lý do nào khiến bạn chia tay 1 trong những công ty về công nghệ lớn nhất thế giới này?
Mình đam mê công nghệ, nhưng khi làm việc ở Microsoft mình làm việc về mảng Enterprise (mảng công nghệ dành cho các công ty lớn), khá khô khan và cứng nhắc. Sau 1 năm, mình quyết định vừa làm cho Microsoft, vừa làm thêm kinh doanh khi là nhà phân phối độc quyền chuỗi cửa hàng NYX Cosmetics của Mỹ tại Việt Nam. Sau thành công này, mình nhận thấy ngoài công nghệ thì sự hiểu biết về thời trang/mỹ phẩm cũng là điểm mạnh của mình. Đây cũng chính là lúc lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ với các công ty mới thành lập như Uber, AirBnB v.v… Mình nhận thấy lĩnh vực thời trang/làm đẹp là vĩnh vực lớn, mà mình lại vừa có khả năng về kỹ thuật, cũng có kiến thức về thời trang nên đây chính là cơ hội mà mình không thể bỏ lỡ.
Lúc mình chia tay Microsoft để đi làm cho 1 công ty khởi nghiệp Rent The Runway vừa mức lương chỉ bằng nửa mức lương tại Microsoft, nhiều người đã cho rằng mình ngông cuồng. Nhưng ngược lại, mình lại cảm thấy đó là bước đi đúng đắn nhất, vì mình biết được cơ hội mình đang nắm bắt, và mình biết dù có thành công hay không thì mình cũng sẽ học hỏi được rất nhiều điều.
Thật hiếm khi có người nào thông minh như bạn, vừa đam mê lập trình, vừa đam mê thời trang thế là bạn làm ứng dụng Stuff N Style (một ứng dụng về thời trang phụ nữ), nhưng nghe nói bạn từng phải thử qua 10 ý tưởng khác nhau mới định hình được sản phẩm? Vậy chắc cũng mất khá nhiều thời gian cho startup đầu tiên về công nghệ này của mình?
Đúng như vậy, mình và Hùng (đồng sáng lập của mình) thử trên dưới 10 ý tưởng khác nhau trước khi tạo ra Stuff N Style. Bọn mình làm việc theo phương pháp Lean Startup, nghĩa là chỉ tung ra 1 sản phẩm nhỏ để thử thị trường trước khi tung ra 1 sản phẩm hoàn hảo, vì thế bọn mình không bị mất quá nhiều thời gian vào những ý tưởng không tốt.
Mặc dù vậy, những lúc sản phẩm tung ra không được thị trường chấp nhận, bọn mình đều rất buồn và cảm thấy nản. Tuy nhiên, bọn mình biết đây là một thị trường tiềm năng, nên quyết tâm vực dậy để tiếp tục nghiên cứu, và tìm hiểu ý tưởng mới.
Bạn có thể giới thiệu thêm 1 chút về ứng dụng này của bạn không? Bạn xây dựng ứng dụng này dựa trên ý tưởng như thế nào? Ứng dụng của bạn sẽ giúp được gì cho phụ nữ?
Stuff N Style là ứng dụng giúp phụ nữ phối đồ khi không biết phải mặc gì, đây là một câu hỏi mà trong quá trình khảo sát mình đã thấy rất nhiều phụ nữ đề cập tới. Chẳng hạn, bạn mới mua 1 chiếc chân váy, nhưng khi mua về không biết phối với áo ra sao, đi giày gì cho phù hợp thì bạn có thể dùng ứng dụng Stuff N Style để lấy ý tưởng phù hợp.
Stuff N Style còn giúp chị em xem được mình có đồ gì trên điện thoại, và lên kế hoạch mặc gì trước những sự kiện quan trọng. Ứng dụng này hy vọng sẽ giúp phụ nữ đẹp hơn, tự tin hơn và hạnh phúc hơn. Khi phụ nữ hạnh phúc thì mọi người ai cũng sẽ thấy hạnh phúc. (Cười)
Bạn có thể mô tả kỹ hơn về những công việc liên quan tới kỹ thuật mà bạn phụ trách, và bạn làm những việc đó như thế nào?
Công việc kỹ thuật mình phụ trách chủ yếu liên quan đến sản phầm. Mình dành rất nhiều thời gian nói chuyện với người sử dụng để xem họ sử dụng sản phẩm của mình như thế nào? Sau đó suy nghĩ để thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp nhất với nhu cầu người sử dụng. Sau khi thiết kế thì mình và Hùng chia nhau mỗi người phụ trách một mảng riêng, và mình sẽ lập trình những mảng mình phụ trách.
Ngoài công việc kỹ thuật mình còn dành thời gian để nghiên cứu các apps khác để lấy ý tưởng cho Stuff N Style. Mình cũng hay trao đổi kiến thức với các bạn khởi nghiệp khác để học hỏi thêm các kinh nghiệm từ các bạn ấy.
Ứng dụng của bạn là tư vấn cho phụ nữ chọn lựa trang phục cho khác dịp khác nhau, như vậy phía sau ứng dụng là cả 1 đội ngũ stylist để phục vụ cho người sử dụng?
Ứng dụng của mình kết hợp giữa stylist & công nghệ Artificial Intelligence (AI – Trí tuệ nhân tạo).Thời trang là nghệ thuật, nên chỉ riêng AI không thể tạo ra kết quả như người sử dụng mong muốn được. Ngược lại, chỉ có stylist thôi thì mình không thể phục vụ cho nhiều người sử dụng, vì thế buộc mình phải kết hợp cả 2 để tạo sự cân bằng.
Bạn có thể bật mí về công nghệ AI này không?
Rất tiếc là mình không thể bật mí về công nghệ AI này được, vì đây là công nghệ chỉ riêng công ty mình có. Tuy nhiên, mình có thể bật mí là công nghệ AI này được tạo ra bởi một trong những Data Scientist (nhà khoa học dữ liệu) về thời trang giỏi nhất ở Mỹ hiện tại.
Sự thành công “chóng vánh” của những startup công nghệ nổi tiếng trong 1 vài năm trở lại đây như Uber, AirBnB, Snapchat v..v.. liệu có khiến Hạnh “ảo tưởng” về sự thành công cho ứng dụng của mình?
Thành công là một khái niệm rất trừu tượng. Bạn định nghĩa thế nào là thành công? Với mình thành công là đóng góp được cho cuộc sống của những người sử dụng sản phẩm của mình, những cô gái cảm thấy đẹp và tự tin hơn khi sử dụng sản phẩm của mình, như vậy là mình cảm thấy mình đã thành công rồi.
Hiện tại, ứng dụng của bạn có thể nói là đã gặt hái được những thành công gì? Và mục tiêu hay những sản phẩm mới của bạn trong thời gian là gì?
Hiện tại, Stuff N Style là một trong những ứng dụng hàng đầu trên Apple App Store tại Mỹ trong lĩnh vực tủ quần áo thời trang (closet). Stuff N Style gần đây cũng được lên Product Hunt – trang web giới thiệu sản phẩm hay hàng đầu tại Mỹ. Mục tiêu của mình là liên kết Stuff N Style với tất cả cửa hàng thời trang lớn trên thế giới, và biến Stuff N Style thành sản phẩm mà tất cả phụ nữ đều sử dụng.
Có thể nói lập trình viên ứng dụng di động tại Việt Nam đang là 1 ngành nghề rất “hot”, nếu có cơ hội được trả lương rất cao, và làm việc trong một công ty lớn nhất-nhì về công nghệ tại Việt Nam, bạn sẽ lựa chọn ra sao?
Mình đã từng làm cho công ty công nghệ trong top đầu thế giới là Microsoft và được trả lương rất cao tại đây, nhưng cũng không giữ được mình. Với mình công ty và lương không phải là yếu tố quan trọng nhất, quan trọng nhất là mình được làm công việc yêu thích và có cơ hội được học hỏi nhiều nhất.
Như vậy là sẽ khó có cơ hội để sử dụng một ứng dụng thuần Việt, phục vụ hữu ích cho người Việt mà bạn sẽ tạo ra?
Mình rất muốn làm một ứng dụng phục vụ hữu ích cho người Việt chứ. Tuy nhiên, để làm một ứng dụng thành công thì cần rất nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, cũng như nhu cầu của người sử dụng, mà mình không ở Việt Nam nên làm điều này hơi khó. Có lẽ trong tương lại gần, khi đỡ bận với Stuff N Style và có nhiều thời gian hơn ở Việt Nam, mình sẽ làm một ứng dụng dành cho người Việt.
Xem ảnh trên Facebook cá nhân của bạn, thấy bạn có rất nhiều mối quan hệ với những “nhà sáng lập” công nghệ trẻ tuổi tài giỏi, thậm chí còn có 1 số người nổi tiếng trong giới công nghệ. Trong số họ, ai là những người mà bạn thấy đáng để học hỏi nhất?
Ở Silicon Valley, mình rất may mắn được tiếp xúc với rất nhiều người tài giỏi trong giới công nghệ, trong đó có thể kể đến CEO Drew Houston (CEO của Dropbox), hay CEO Emmette Shear (CEO của Twitch, ứng dụng vừa bán cho Amazon 1 tỷ USD) và rất nhiều tài giỏi khác nữa.
Tuy nhiên nếu nói về người mình cảm thấy khâm phục nhất thì có lẽ là Bryan Johnson. Anh là nhà sáng lập ra công ty thanh toán điện tử Braintree, bán cho Paypal với giá 800 triệu USD. Sau khi gặt hái thành công này, thay vị tận hưởng thành quả của mình, anh vẫn làm việc hơn 12 tiếng/ngày nghiên cứu về lĩnh vực sinh học – một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với chính anh. Anh còn dành 100 triệu USD tiền cá nhân để đầu tư vào các công ty sinh học để giảm bệnh tật và kéo dài tuổi thọ con người, đây chính là một trong những lĩnh vực đầu tư rủi ro nhất.
Khi mình hỏi tại sao anh không đầu tư vào lĩnh vực an toàn hơn, thì anh nói: “Nếu mất hết số tiền anh kiếm được để có 1% cơ hội thay đổi thế giới, anh sẵn sàng chấp nhận”. Đây là điểm mình thích nhất ở Silicon Valley, con người thay vì tập trung kiếm tiền để mua đồ hiệu, biệt thự hay xe khủng, thì họ tập trung làm thế giới tốt đẹp hơn
Cám ơn Hạnh, chúc Hạnh và ứng dụng của mình sắp tới sẽ gặp hái được nhiều thành công như bạn mong muốn.
Theo Tri thức trẻ