Họa hoằn lắm, ông đồ 31 tuổi Trần Trọng Dương mới có người đối đáp về kết quả nghiên cứu với mình trong hành trình đã chục năm đơn độc. Và đó thường là tương tác kiểu “ném đá”…
Những cái lắc đầu trong im lặng. Những khuôn mặt chăm chú nghe mà chưa nghe thấy, nghe hiểu. “Tôi cũng chịu, vì đề tài này chuyên môn sâu quá”, một TS Hán Nôm rỉ tai bạn bè trong buổi thuyết trình về chùa Một Cột của Trần Trọng Dương hồi đầu năm như vậy. Không phải vì Dương không có khả năng diễn thuyết. Một pho kiến thức quá rộng từ mỹ thuật đến kiến trúc và nhất là triết học Phật giáo khiến người nghe, dù muốn cũng khó lòng nắm bắt. Khó, ngay cả khi họ đều va chạm với những vấn đề này trong nghề nghiệp và được đọc trước tóm tắt nội dung buổi thuyết trình.
Tuy nhiên, ngay cả vấn đề chùa Một Cột cũng vẫn vô cùng dễ hiểu nếu so sánh với những đề tài vị TS Hán Nôm này đeo đuổi chục năm nay. “Chùa Một Cột chỉ là một rẽ ngang nhỏ trên con đường nghiên cứu. Còn đề tài tôi đeo đuổi đã mười năm nay là việc dịch Đào Uyên Minh toàn tập”, anh cho biết. Ông chính là một trong năm thi hào lớn của Trung Quốc, cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất trong số họ tới lịch sử văn hóa Việt Nam.
Nói cho đúng, không học sinh phổ thông nào ở nước ta không từng “va chạm” với Đào Uyên Minh. Ông chính là ông Đào nổi tiếng trong câu thơ “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” của cụ Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên, các em thường không được giải thích vì sao ông lại là tấm gương để nhiều người phải hổ thẹn. Ngay cả nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội cũng không rành điều này. Bởi cho tới giờ, chúng ta vẫn chưa có một tuyển tập của đại thi hào này bằng tiếng Việt.
Trong khi đó, đại diện tiêu biểu nhất của ẩn sĩ Trung Hoa này đã đánh dấu lối sống, cách nghĩ, phương pháp tiếp cận chính trị của mình lên rất nhiều danh sĩ nước nhà. Dễ thấy nhất, ta có thể gặp bóng dáng ông Đào trong những cử chỉ tiết tháo của cụ Chu Văn An, Cao Bá Quát hay Nguyễn Khuyến về sau này. “Phải nói rõ về quan niệm ẩn sĩ. Họ không phải người bỏ quan về, không còn màng tới sự đời như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ở ẩn theo kiểu ông Đào, chính là con đường nhanh nhất để nhập vào triều đình, hòa mình vào đời sống chính trị”, Trần Trọng Dương giải thích.
Anh chia sẻ thêm: “Hãy nhìn lại cụ Chu Văn An. Sau khi từ quan, cụ về sống ngay ở Thanh Trì để dạy học. Thế nhưng, học trò là Phạm Sư Mạnh có việc gì là về lạy thầy xin ý kiến. Vua mới lên ngôi, cụ Chu có kế sách dâng sớ ngay. Như thế, ảnh hưởng của cụ rất quan trọng và tác động ngay tới đầu não. Toàn bộ đời sống Việt Nam thời trung đại có tới hàng trăm nhà Nho, nhà thơ chọn cách như vậy: từ thiền sư Huyền Quang đến Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến”.
Dịch Đào Tiềm, do vậy, không chỉ khó ở phần chuyển ngữ chữ Hán cổ. Nó còn cần sự thấu hiểu lịch sử, văn hóa, tư tưởng triết học của một thời kỳ, một văn hóa khác. Dương do đó còn gặp khó khăn nữa là không có người hiệu đính, dù rất muốn và luôn đi tìm. “Bản dịch có nhiều người quan tâm. Khi hoàn thành cũng có hội đồng nghiệm thu nhưng chưa thể gọi là hiệu đính được. Để hiệu đính còn phải cày xới từng chữ”, Dương nói. Chính vì thế, bản dịch cả thơ lẫn văn Đào Tiềm dày 500 trang này, Dương vẫn phải một mình cày đi cày lại. “Mỗi năm, tôi lại mang bản dịch ra và tự rà soát, tự hiệu đính một lần”, vị TS tâm sự.
Những khó khăn kiểu “Đào Tiềm” còn lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều nghiên cứu lâu năm khác của Dương. Chẳng hạn, cuốn Tư tưởng của văn học Tiên Tần cũng chỉ chuyển tay nhau trong một nhóm người rất hẹp. Trong khi đó, đây chính là “khuôn mặt” của triết học Khổng Tử trước khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò. Sự so sánh triết học Khổng Tử trước và sau Tần Thủy Hoàng giúp nhà nghiên cứu có những hình dung về sự phát triển của dòng triết học giờ vẫn còn ảnh hưởng này.
Dịch thuật cũng chỉ là một nửa khó khăn, một nửa con đường anh đi. Phần còn lại là tiếng Việt cổ trước thế kỷ 15. “Từ khi bước chân vào địa hạt hẹp là nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, tôi càng xác định rõ mình sẽ rất cô độc”, Dương cho biết. Sự cô độc ngày càng lộ rõ hơn khi sách ít người đọc, khó kiếm người hiệu đính, và trên đầu chỉ còn một chuyên gia đầu ngành Nhật Bản để có thể trao qua đổi lại. Tuy nhiên vị chuyên gia ấy lại chỉ nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt. Nếu so sánh về từ vựng, ngữ pháp, Dương lại có nhiều lợi thế hơn. Đường đi đã khó càng khó.
Cũng trên con đường đi chưa ai đi và muốn đi, Dương đã phải tự mình làm những cuộc “lật đổ”. Cuốn kinh Phật Thiền tông ngữ lục (thế kỷ 14) anh mới xuất bản là bản văn xuôi tiếng Việt sớm nhất. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã tưởng rằng Quốc Âm thi tập thế kỷ 15 mới là sớm nhất. Mà thời điểm xuất hiện văn xuôi lại vô cùng quan trọng bởi nó phản ánh trình độ phát triển tư duy của một dân tộc. Phát hiện này của Dương cho thấy khả năng chuyển tải văn bản triết học bằng tiếng Việt của tổ tiên ta hơn nhận định bấy lâu rất nhiều.
Dương cũng có nhiều lật đổ khác như phát hiện cuốn từ điển Hán-Việt sớm nhất của Việt Nam. Đó là cuốn Nam dược quốc ngữ phú của Tuệ Tĩnh – một cuốn sách giải thích từ ngữ về thuốc. Trước đó, do được thể hiện dưới dạng phú nên nó vẫn bị coi là một tập thơ.
Một phát hiện khác của Dương là đánh giá lại tác gia Lê Quý Đôn. Nếu trước khi nghiên cứu, Dương vẫn nghĩ đó là một nhà bác học thì sau khi so sánh văn bản, anh cho rằng đó chỉ là một nhà thư mục học, một người nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam mà thôi. Hiện bài viết này chưa được chính thức công bố, tuy nhiên Dương cũng đã chuẩn bị tinh thần đón nhận phản ứng trái chiều. “Tôi nghĩ có thể sẽ gây sốc”, Dương nói.
Không có chủ ý lật lại lịch sử, những phát hiện trên đến tình cờ trên đường nghiên cứu. Chính vì thế, nếu có bị “ném đá” như đã từng khi công bố một số quan điểm khác với truyền thống, Dương vẫn điềm tĩnh. “Làm nghiên cứu càng viết nhiều càng dễ sai nhiều. Chính vì thế, tôi nghĩ phải tiếp thu và luôn nghi ngờ mình rồi tự sửa”, Dương tâm sự. Có điều, nếp nghĩ dám nói dám chịu này hiện không phổ biến lắm trong giới nghiên cứu nước nhà.
Trinh Nguyễn
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.