Thầm lặng vượt qua những bước ngoặt cơ duyên trong cuộc đời, nhưng những gì ông đã làm được trong những ngày còn gian khó và để lại dấu ấn cho đến hôm nay được nhiều người nhớ mãi.
Biến không thành có
Người đó là chuyên gia kinh tế, giảng viên chương trình Fulbright, Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting Phan Chánh Dưỡng. Thời trẻ dành nhiều tâm sức đóng góp đáng kể cho công cuộc đổi mới kinh tế, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang thị trường; nay đã về già, ngoài thời gian đi giảng dạy, ông lại miệt mài với những chuyến từ thiện của mình. Quan niệm về công việc từ thiện của ông thật lạ. Ông mang tiền tỉ từ sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân hảo tâm đi giúp đỡ khắp nơi không phải để thể hiện lòng tốt, tạo tiếng vang và thương hiệu này nọ cho một tổ chức hay công ty nào đó, mà làm để góp phần cải thiện đời sống xã hội, giúp đỡ những vùng đất, những con người đang còn gian khó. Ý nghĩa nhất đối với ông là đồng tiền mang đi chia sẻ được sử dụng đúng mục đích, phát huy được một lợi ích gì đó chứ không cần phải tạo ra sự long trọng hình thức khi trao tặng.
Có lẽ cuộc đời nhiều thăng trầm đã hun đúc trong ông triết lý sống và làm việc một cách nhân bản. Sống ở miền quê của Cà Mau trong thời chiến tranh, bị máy bay B52 ném bom ác liệt, do cảm thấy không yên ổn nên cả gia đình ông phải đi lánh nạn, sau đó lên tận Sài Gòn vào thập niên 1970. Để có cái ăn, chỗ ở qua ngày và học hành, ông từng làm nhiều nghề kể cả bồi bàn. Ở quê biết chữ không nhiều, ông cảm thấy sự dốt nát đè nặng lên đầu mình quá lớn và từ đó nhận ra một điều là con nhà nghèo chỉ đi học mới có cơ hội giải thoát sự nghèo nàn của mình mà thôi. Mọi con đường khác hình như đều bấp bênh.
Ông bảo đến sau này ông phát hiện ra một điều là sống trong môi trường khó khăn vô cùng của thời trẻ chưa chắc là một điều thiệt thòi, có khi đó lại là một cơ hội để rèn luyện ý chí vượt khó mà người đầy đủ sung túc không có được.
Khi tạp chí Corporate Location của Anh bình chọn khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) là khu chế xuất tốt nhất đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lập tức người ta nhớ ngay đến cái tên Phan Chánh Dưỡng. Đơn giản chỉ vì những công việc khó khăn, thầm lặng thời đổi mới và sự cống hiến không biết mệt mỏi của ông. Ít ai biết ông vốn là giáo viên vật lý nhưng với ý chí phi thường của một con người luôn cháy bỏng tư duy đổi mới và khát vọng “phải làm ra một cái gì đó” đã giúp ông vượt qua vô vàn thử thách, khó khăn để “biến không thành có”. Là một người trầm tĩnh nhưng ông lại rất quyết liệt khi bắt tay thực hiện những kế hoạch mà mình đã đề ra; biết cách kết hợp khả năng, chất xám của nhiều trí thức để phát huy ý tưởng của mình thành hiện thực.
Từng là người viết đề án thành lập và rất thành công với Công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) – mô hình công ty công tư hợp doanh, được xem là doanh nghiệp cổ phần đầu tiên của cả nước sau năm 1975 – nhưng khi cùng với một số anh em trong nhóm Thứ Sáu – nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy TP.HCM – nghiên cứu hoàn chỉnh mô hình khu chế xuất, ông quyết định xin rời khỏi vị trí Giám đốc Công ty Cholimex để bắt tay vào các đề án phát triển vùng đất Nhà Bè từ năm 1991. Khi Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận mới thành lập (do ông làm giám đốc để làm pháp nhân liên doanh với đối tác nước ngoài xây dựng khu chế xuất Tân Thuận) thì chỉ có con dấu; không trụ sở làm việc, không kinh phí tài chính và không bộ máy nhân sự. “Có người bảo rằng tôi đang tự sát. Do công ty không được cấp kinh phí để hoạt động nên lúc đầu không thể có bộ máy mà chỉ những anh em tình nguyện tham gia. Có người còn nghĩ rằng nó sẽ không tồn tại được. Nhưng bây giờ khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu công nghiệp cảng Hiệp Phước… đã trở thành vùng đất phát triển nhất của phía nam TP.HCM chúng ta”, ông Dưỡng nhớ lại.
Ly ca fe
Phải thắp lên được ngọn lửa khát vọng
Tôi nhắc lại lời nhận xét của luật sư Nguyễn Ngọc Bích, thành viên nhóm Thứ Sáu, khi trò chuyện với ông: “Ở Cholimex, ông (Phan Chánh Dưỡng – PV) biến ít thành nhiều, ở khu chế xuất Tân Thuận ông biến nhỏ thành lớn, và ở Phú Mỹ Hưng ông biến đầm lầy và nước đục thành cao ốc và thương xá. Tất cả đều ở trong thời kỳ đất nước vừa mới mở cửa. Từ bùn và nước làm sao nặn ra những con số cho một kế hoạch tài chính chính xác và hợp lý để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền và làm an lòng chính quyền khi chấp thuận?… Sở dĩ làm được bởi ông ấy là người có lòng”.
Ông Dưỡng không bình luận gì nhưng đã xoay qua kể một câu chuyện khác: “Có lần tình cờ được giao lưu với sinh viên về lập nghiệp. Một bạn đứng lên hỏi: “Em vừa tốt nghiệp xong nhưng lại thuộc thành phần 4 không: không có tiền, không có quyền, không có mối quan hệ và không có kinh nghiệm. Vậy làm cách nào để tiến lên trong khi cầm cái bằng đi xin việc đã vô cùng khó?”. Tôi rất ngạc nhiên khi được hỏi như thế vì trước đó hoàn toàn tôi không chủ động. Thoáng suy nghĩ, tôi đã phải trả lời một cách đối phó thế này: Trong một chuỗi số từ 0 đến vô cực, em bắt đầu từ con số 0. Người có kinh nghiệm bằng con số 10, có tiền bắt đầu từ con số 100, có quan hệ bắt đầu từ con số 1.000, nếu có quyền nữa thì bắt đầu từ con số 10.000. Vậy nhìn vào chuỗi số đó thì người bắt đầu từ con số 0 sẽ có không gian rộng hơn người đã có một con số nào đó lớn hơn. Chuyện gì cũng phải có sự bắt đầu dù cho đó là từ số 0, rồi sau đó mới đến lựa chọn”.
Có thể nói ông vẫn còn nhiều thao thức về sự tiến lên của đất nước. Ông bảo sáng tạo hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Không có sự sáng tạo nào đi tắt đón đầu mà đòi hỏi sự cần cù, tích lũy từng bước, luôn đòi hỏi sự nỗ lực. Đáng tiếc là phương pháp giáo dục của mình hiện nay khó rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh, vì mình chọn kết quả đáp số cho trước mà không xem trọng quá trình thao tác của học sinh.
“Chúng ta không thể cứ lấy đáp số để cho điểm mà phải lấy quá trình tạo ra đáp số. Quá trình nó rất quan trọng và chúng ta phải nhận ra được điều này để khuyến khích sự sáng tạo, nhưng phải bắt nguồn từ những giá trị sống nhân bản. Cách giáo dục phải thắp lên được ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng sáng tạo và tinh thần dấn thân cống hiến trong mọi hoàn cảnh”, ông Dưỡng chia sẻ.
Đình Phú
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.