“Nếu mỗi ngày trôi qua bạn đều có thể nhắm mắt và ngủ ngon trên chiếc giường của mình, thì đó chắc chắn là một ngày hạnh phúc.” – Hideko Suzuki
Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn đạt được thành công, có cuộc sống thoải mái cả về vật chất và tinh thần. Nhiều bạn trẻ thậm chí sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được thành công nhanh chóng. Họ điên cuồng học tập, điên cuồng làm việc, 2-3 giờ sáng vẫn chong đèn gõ phím cho kịp deadline, để rồi đến thời gian nấu cho mình bữa ăn tử tế cũng không có.
Cuộc sống bộn bề khiến cho người ta có cảm giác rất thành tựu, dần dần họ nghiện cảm giác bận rộn ấy và không thể ngồi yên tận hưởng cuộc sống dù chỉ một phút giây.
Nhật Bản là một trong số những quốc gia hàng đầu trên thế giới có phong cách sống và làm việc đáng ngưỡng mộ. Đó là bởi sự cần mẫn, chăm chỉ và sáng tạo, tính nguyên tắc và kỷ luật được thể hiện mọi lúc mọi nơi… Cũng chính bởi phong cách làm việc mang tính chất đặc thù mà Nhật Bản từ một quốc gia nghèo tài nguyên, thường xuyên phải đối mặt với những trận thiên tai khủng khiếp đã vươn lên dẫn đầu thế giới về kinh tế, chính trị.
Thế nhưng một xã hội phát triển, yên bình như Nhật lại có tỉ lệ người tự tử thuộc loại cao nhất trên thế giới bởi sức ép công việc hoặc đơn giản vì người ta cảm thấy nhàm chán khi ngày nào cũng như ngày nào, cứ lặp đi lặp lại một lập trình từ nhà đến công sở và làm cùng một công việc giống nhau.
Thậm chí văn hóa Nhật Bản còn có một từ để chỉ những cái chết vì làm việc quá nhiều. Đó là “karoshi”. Theo một báo cáo chính phủ công bố hồi tuần trước, có tổng cộng 191 vụ “karoshi” trong năm tài khóa 2017 kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Báo cáo cũng chỉ ra có 7,7% người làm công Nhật Bản thường xuyên làm thêm hơn 20 giờ mỗi tuần.
Còn được sống, đó đã là một sự chiến thắng vẻ vang. Việc kiếm tiền chỉ là một công cụ không hơn không kém. Khỏe mạnh là mục đích và vui vẻ, hoan lạc mới là chân lý của cuộc đời! Vậy nhưng trong cuộc sống này, thử hỏi có bao nhiêu người đang ra bị cuốn vào vòng xoáy tiền tài, danh vọng? Có bao nhiêu người vì chút lợi ích của bản thân mà làm tổn hại người khác rồi tổn thương ngay cả chính mình? Có bao nhiêu người sẵn sàng bán sức, đánh đổi mọi thứ để lấy những vật ngoài thân…?
Rồi một ngày cuộc sống hóa hư vô, cái sự vô thường trên cuộc đời khiến con người ta phải thức tỉnh, phải hết mình để có được một cuộc sống ý nghĩa nhất. Thì ra, sinh mệnh hay đời người cũng chỉ là những cái tích tắc ngắn ngủi. Điều chúng ta nên làm là tận dụng nó sao cho thật hiệu quả, thật tốt, yêu quý và hưởng thụ nó sao cho thật trọn vẹn.
Trong bài diễn văn nổi tiếng của mình, Steve Jobs đã nói rằng: “Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ sự cũ kỹ (người già) để mở đường cho cái mới (lớp trẻ). Các bạn chính là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật. Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Chúng biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.”
Bất hạnh lớn nhường nào cũng không thể tệ hơn cái chết. Nhưng sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của tự nhiên. Mà quy luật thì chẳng cách nào xoay chuyển được. Vậy thay vì hoang mang hay lo sợ cái chết, hãy biết trân trọng cuộc sống hơn, để mỗi phút giây tồn tồn tại của chúng ta trên cõi đời này trở nên trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Hãy thử một lần chạm vào ranh giới của sự sống và cái chết, đứng trước cái khổ đau bất hạnh, chạm đến đáy sâu tận cùng của bi kịch để có thể thấu rõ bản thân mình hơn, rằng chúng ta đã bỏ lỡ và lệch lạc quá nhiều. Chúng ta cứ mải miết chạy theo vô số những thứ tầm phào, vô ích, chúng ta đang ngày cà lún sâu vào vòng xoáy sân si vị kỷ, biến bản thân trở nên ích kỷ nhỏ nhen.
“Một sớm mai kia khi mọi thứ trong đời bỗng hoá thành hư vô, chỉ mong vẫn có thể nở nụ cười mãn nguyện bởi mình đã sống những ngày trọn vẹn….”
Trước nay, chắc chắn ít nhiều chúng ta cũng đã từng trải qua những chuyện đau khổ. Đó có thể là thất bại do bản thân gây ra, có thể là người bị hại do lỗi lầm của kẻ khác… những việc đó sẽ biến thành vết thương lòng, giày xéo tâm can khiến bản thân cảm thấy phẫn uất?
Thật ra tất cả những thất bại hay tổn thương mà chúng ta từng phải nếm trải đều có ý nghĩa riêng, nó giúp ta có những bài học, đem đến cho những trải nghiệm, để khi bình tĩnh nghĩ lại mọi việc, có thể thấy nhờ thất bại đó mà chúng ta phần nào bớt đi tính ngạo mạn. Lúc gặp bất hạnh, bạn sẽ cảm thấy buồn phiền, đau khổ, hối hận hay thậm chí là xấu hổ, nhưng khi tất cả qua đi hãy chỉ nhớ lại nó như một kỷ niệm đẹp.
Nhiều người cho rằng, khổ đau đủ nhiều thì cuộc sống ắt hẳn sẽ viên mãn hơn… thế là họ cứ âm thầm chịu đựng, nhẫn nhục hết khổ đau này đến nỗi bất hạnh khác mà quên mất rằng, cuộc sống này vốn dĩ rất vô thường. Khi chết đi rồi, sẽ chẳng có bất cứ thứ gì trên thế giới này còn thuộc về chúng ta nữa. Vậy tại sao không tận hưởng một cách triệt để nhất mỗi giây phút được sống trên đời? Tại sao không làm cho quãng thời gian ngắn ngủi ấy trở nên ý nghĩa, trọn vẹn?
Từ lúc này, mỗi chúng ta hãy chọn cho mình một cách để tận hưởng thời gian hiệu quả nhất, đơn giản thôi, đừng quá nặng nề với những yêu cầu xa vời vì chúng chỉ khiến cuộc sống của chúng ta thêm mỏi mệt.
Bởi cuộc đời rất ngắn nên hãy dành cho những người xung quanh ta sự trân trọng, yêu quý hết sức có thể, đừng tranh chấp, cũng đừng giận dữ, hãy lựa lời, cùng thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Thời gian của mỗi người trên đời càng đi càng ngắn lại, dù là thân thiết gắn bó đến đâu, cuối cùng cũng vẫn phải chia ly.
Hãy thử tưởng tượng nếu ngày mai bạn phải đối mặt với cái chết, liệu hôm nay bạn có sống khác hơn so với mọi ngày?
Theo Trạm Đọc