Chỉ tính riêng thủ đô Buenos Aires của Argentina đã có số lượng hiệu sách tính trên đầu người nhiều hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới này. Người dân nơi đây coi đọc sách là bữa ăn thiết yếu của tinh thần và đi dạo hiệu sách là một thú vui thường nhật.
Buenos Aires – “kinh đô hiệu sách” của thế giới
Đất nước Argentina là một trong những quốc gia chứng kiến nhiều biến động lịch sử, có lẽ vì vậy mà người dân Argentina thường tìm thấy sự tĩnh lặng, bất biến trong một thú vui thuộc vào hàng cổ xưa nhất của nền văn minh loài người: đọc sách.
Thủ đô Buenos Aires của Argentina có số lượng hiệu sách tính trên đầu người cao hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới này. Thông tin này đã được đưa ra bởi một nghiên cứu của Diễn đàn Văn hóa Thành phố Thế giới (World Cities Culture Forum) hồi năm 2015.
Với dân số vào khoảng 2,8 triệu người, Buenos Aires có 734 hiệu sách, tức là cứ 100.000 người dân lại có 25 hiệu sách. Trên thế giới, chỉ có Hồng Kông là tiến tới gần con số đáng ngưỡng mộ này với 22 hiệu sách, Madrid (Tây Ban Nha) có 16 hiệu, và London (Anh) với 10 hiệu.
Ông Gabriela Adamo, cựu chủ tịch lễ hội sách thành phố, một sự kiện được tổ chức thường niên tại Buenos Aires, thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham dự mỗi năm, cho rằng tình yêu mà người Argentina dành cho sách có liên hệ tới cấu trúc dân cư của đất nước này, bởi Argentina từng có làn sóng người nhập cư rất lớn đổ về hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Một thế kỷ trước, Buenos Aires là một thủ đô sang trọng của một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Làn sóng người nhập cư đến từ Châu Âu đổ vào Buenos Aires rất lớn, tạo nên một môi trường đa văn hóa, khiến đời sống văn chương – nghệ thuật ở đây bỗng phát triển sôi động.
Đã có thời, hoạt động báo chí của Buenos Aires chứng kiến sự đa ngôn ngữ chưa từng thấy, với những tờ báo tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha… Hoạt động sáng tác văn chương, hội họa, nghệ thuật cũng chứng kiến sự đa dạng hiếm thấy.
Những hiệu sách đa dạng về chủng loại và ngôn ngữ đã trở thành biểu tượng văn hóa của Buenos Aires thời đó. Điều này vẫn tiếp tục tồn tại cho tới hôm nay.
Tại sao người dân Argentina thích đọc sách đến vậy?
Những ưu đãi trong nền kinh tế Argentina cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường xuất bản của nước này. Tại Argentina, sách được miễn nhiều loại thuế, vì vậy, việc chi tiền mua sách chưa bao giờ khiến người dân nơi đây phải suy nghĩ.
Vì giá sách có nhiều ưu đãi, nên người dân rất thích thú với việc dạo qua các hiệu sách, mua sách về đọc, thay vì đọc sách online. Trong khi nền xuất bản của nhiều nước gặp cơn lao đao vì sách điện tử, thì nền xuất bản của Argentina vẫn hoạt động ổn định.
Cũng vì nền xuất bản của Argentina đã có sự đa dạng về ngôn ngữ, chủng loại, nên đất nước này có những chính sách bảo hộ nhất định, khiến việc nhập sách từ nước ngoài vào phải đối diện với nhiều rào cản.
Cho tới hôm nay, người Argentina vẫn coi việc đi hiệu sách, tìm mua sách là một thú vui. Các hiệu sách lớn ở Argentina đều có trang web điện tử để người mua có thể đặt hàng tại nhà, nhưng một điều thú vị là rất ít người lựa chọn cách mua sách như thế này, họ thích việc đi thăm thú hiệu sách hơn.
Điều này sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu độc giả đã có lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những hiệu sách nơi đây, có những hiệu sách đồ sộ, sang trọng, choáng ngợp, và cũng có những hiệu sách nhỏ, giản dị, cổ điển.
Văn hóa đọc là một điều rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Argentina. Trẻ nhỏ ở đây sớm được ông bà, cha mẹ truyền cho tình yêu và thói quen đọc sách. Bước vào bất cứ hiệu sách lớn nào, người ta cũng thấy những độc giả nhí đang tìm mua sách cho mình.
Lứa tuổi teen đặc biệt được các nhà xuất bản quan tâm và là một trong những nhóm đối tượng tiêu thụ sách mạnh nhất của nền xuất bản.
Vì có một nền văn hóa đọc đa dạng nên thị hiếu đọc của người Argentina cũng rất phong phú, nền xuất bản ở đây không chứng kiến những cơn sốt nhất thời. Người dân nơi đây đọc nhiều và có nhu cầu đọc rất đa dạng, nên họ bình tĩnh đón nhận các xu hướng, trào lưu mới.
Việc có nhiều nhà sách cũng đồng nghĩa với việc Argentina có những nhà xuất bản lớn nhất Mỹ Latin, với số lượng đầu sách xuất bản mỗi năm tăng lên ổn định và bền vững, từ 16.092 đầu sách năm 2004, lên 28.010 đầu sách năm 2014. Tổng số sách in ấn – phát hành trong năm 2014 là 123 triệu cuốn.
Các nhà xuất bản cho rằng tình yêu dành cho việc đọc sách của người dân còn đến từ việc họ luôn ám ảnh với hoạt động phân tích tâm lý. Argentina có số lượng bác sĩ tâm lý trên bình quân đầu người nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, kết quả này được đưa ra bởi Hiệp hội Phân tích Tâm lý Buenos Aires.
Việc người dân Argentina rất quan tâm tới vấn đề tâm lý khiến họ trở thành những độc giả say mê, vì họ có cơ hội được khám phá tâm lý nhân vật.
Không chỉ là thị trường lý tưởng cho những nhà văn trẻ, những đầu sách mới, Buenos Aires còn có 102 hiệu sách chuyên bán sách cũ, sách hiếm. Các hiệu sách nơi đây mở cửa đến sau 12h đêm, có những con phố sách ở Buenos Aires dường như không bao giờ ngủ.
Trung tâm thành phố là nơi dành cho những hiệu sách lớn, khi bắt đầu rời khỏi trung tâm, những hiệu sách nhỏ tư nhân, thậm chí là hiệu sách gia đình, bắt đầu xuất hiện.
Hiệu sách cung điện ở “kinh đô sách” Buenos Aires
Nếu Buenos Aires là “kinh đô sách” của thế giới, vậy cung điện của kinh đô này chắc chắn phải là hiệu sách xa hoa bậc nhất thành phố – El Ateneo Grand Splendid. Đây vốn là một nhà hát bắt đầu mở cửa hoạt động từ năm 1919. Cách đây 15 năm, nhà hát được chuyển đổi mục đích sử dụng và trở thành một hiệu sách khổng lồ.
Kiến trúc xa hoa của nhà hát vẫn được giữ nguyên. Người ta đến với hiệu sách El Ateneo một phần để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Bất cứ du khách nào đặt chân tới Buenos Aires cũng đều muốn ghé qua đây. Khoảng 1 triệu lượt người đến với hiệu sách mỗi năm để dạo bước trên diện tích trưng bày khổng lồ gần 2.000 m2 chứa đựng hàng ngàn cuốn sách được bài trí nghệ thuật.
Ở đây, những lô ghế nhà hát vẫn được giữ nguyên, để du khách sau khi đã chọn được những cuốn sách ưng ý, sẽ có thể ngồi xuống thư thái ở một góc và đọc sách. Trong những danh sách bình chọn các hiệu sách đẹp nhất thế giới, thường có sự góp mặt của nhà sách El Ateneo Grand Splendid.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhà sách El Ateneo Grand Splendid:
Bích Ngọc – Dân Trí