Bố mẹ Việt liệu có phải đã mắc căn bệnh “hoàn hảo hóa” quá mức khi luôn kỳ vọng con mình giỏi “toàn diện”, từ các môn khoa học như Toán, Lý…đến các môn Văn học, Ngoại ngữ, rồi đến nhạc, họa. thể thao…?
Điển hình cho sự kỳ vọng “vượt ngưỡng” ấy là những hình ảnh cô, cậu học trò ngồi sau xe cha mẹ, một bên thì ăn vội vàng chiếc bánh mì đang cầm trên tay, một bên thì lật dở những trang vở để ôn bài chuẩn bị cho lớp học thêm tiếp theo. Có cảm tưởng, những đứa trẻ ấy còn không có cả thời gian để sống.
Gần đây, một bài viết của một người dùng facebook là Nguyen Van Bao – một bậc phụ huynh 60 tuổi, cũng về chủ đề này, chia sẻ những quan điểm rất thực tế về việc nuôi dạy con trẻ ở Việt Nam, đã thu hút nhiều sự đồng tình của cư dân mạng.
Tại sao bố mẹ Việt cứ bắt con học đủ thứ, khi mà ngay chính các họ cũng chẳng bao giờ đọc sách, nghe nhạc, xem tranh và không biết bất cứ ngoại ngữ nào ?
Bài viết bắt đầu một cách rất gai góc:
“Dạy con.
Cảnh báo – những lời dưới đây có thể rất khó nghe. Tốt nhất là không nên đọc.”
…..
“Bản năng cao nhất của con người là tham sống. Càng lâu càng tốt. Nhưng không ai có thể bất tử. Do đó họ muốn kéo dài cuộc sống của chính mình thông qua những đứa con.
Bố mẹ thường bắt con học đủ thứ – âm nhạc, hội hoạ, văn, toán, ngoại ngữ, thể thao…
Phần lớn trong số họ không đọc sách, nghe nhạc, xem tranh, không biết bất cứ ngoại ngữ nào và cũng chăng chơi môn thể nào. Sao họ bắt con phải học những thứ đó từ khi 4-5 tuổi?”
Vì họ đã từng muốn là người như vậy. Tài giỏi và toàn diện. Họ muốn kéo dài cuộc sống của chính mình thông qua những đứa con trong một hình ảnh lấp lánh hơn” – Hiểu đơn giản, cha mẹ muốn con trẻ sống thay cuộc đời của họ.
Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ là con trẻ ở Việt Nam nên học những thứ gì và mỗi thứ bao nhiêu thì là đúng, là đủ. Ở điểm này, tác giả bài viết đã tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình.
Học Toán: Nếu con thích thì cứ cho học – Nhưng hãy cho nó biết thế giới chỉ cần 100 người như Ngô Bảo Châu, 7 tỷ người còn lại sống bằng nghề khác
“Tôi thích toán và học toán khá giỏi, từ phổ thông đến địa học và sau đại học. Toán rất có ích đối với tôi chỉ khi đi học. Khi đi làm thực tế chỉ cần biết cộng trừ nhân chia. Nếu con bạn thích thì cứ để nó học toán. Nhưng nên cho nó biết cả thế giới chỉ cần độ 100 người giỏi toán như GS Ngô Bảo Châu thôi. 7 tỷ người còn lại sống bằng nghề khác.
Nếu con bạn 10 tuổi và giải được bài toán “100 con trâu 100 bó cỏ” thì nó là thần đồng. Nhưng cũng nên cho nó biết rằng trong cuộc sống thực không bây giờ có loại toán với lời giải tường minh như vậy.”
Học Văn: Nhà văn, nhà thơ không sống được. Học Văn chỉ giúp trẻ học cách diễn đạt vấn đề và tập thói quen đọc sách
“Tôi đọc rất nhiều sách từ bé đến tận bây giờ. Việc đó rất có ích. Nhưng để phục vụ cho công việc thì chỉ cần biết cách diễn đạt thật mạch lạc, rõ ràng vấn đề bằng những câu văn ngắn và những từ không gây hiểu nhầm. Thế là đủ.
Nếu bạn là nhà văn, nhà thơ thì không ai tuyển dụng bạn. Bạn đã thấy thông báo tuyển nhà văn, nhà thơ bây giờ chưa? Bạn tự viết văn và tự bán, nếu bạn sống bằng nghề viết.
Trong mọi hoàn cảnh: bị đuổi việc, được tăng lương, đám ma, đám cưới, sinh nhật… bạn có thể chỉ cần nói một câu – “và cây đời mãi mãi xanh tươi” là đủ tỏ ra uyên bác. Nếu ai hỏi thì bảo câu đó của AQ nói trong dịp nhận giải Nobel. Mọi người sẽ nghĩ bạn có khiếu hài hước. Và tốt nhất là chẳng nói gì cả. Người ta sẽ nghĩ bạn là người vô cùng sâu sắc.
Tuy nhiên việc đọc sách là rất hữu dụng. Nên khuyên con đọc nhiều sách”
Học Ngoại Ngữ: Cho con học càng sớm càng tốt, chi phí có khi là rất rẻ
“Tiếng Anh giúp tôi rất hiệu quả trong cuộc sống, công việc. Có điều kiện thì hãy cho con học tiếng Anh từ lúc nó biết nói tiếng mẹ đẻ. Có thầy dạy thì tốt. Không có cũng chẳng sao. Hãy dùng các chương trình dạy tiếng Anh trên ipad và tự học cùng con. Chả tốn xu nào. Hoặc rất rẻ.”
Lý, Hóa, Sinh, Sử…: Không để làm gì trừ để tỏ ra uyên bác khi đi “cưa gái”
“Phải nói thực là tất cả các môn còn lại như lý, hoá, sinh, sử, địa ở phổ thông tôi không học và sau này cũng không bao giờ dùng các kiến thức đó làm gì trừ việc tỏ ra uyên bác trước mặt các cô gái”..
Âm nhạc, hội hoạ, thể thao: Học chỉ để cho vui, không thể kiếm sống được
“Kiếm sống bằng những nghề này rất khó. Nếu con bạn thích thì cứ cho nó học. Nếu nó không thích thì đừng ép. Số người Việt Nam kiếm đủ sống bằng những nghề này rất ít. Chắc độ 1000, trong đó một nửa là cầu thủ bóng đá”
Cuối cùng, bài viết tổng kết những gì đã đề cập trong mấy dòng ngắn ngủi:
“Vậy nên tôi chỉ yêu cầu các con biết đọc thông viết thạo tiếng Việt, tiếng Anh, có thể trình bày suy nghĩ của mình 1 cách rõ ràng. Các môn khác đủ điểm lên lớp là được.
Và học bơi.”
Vượng Lê – Theo Trí Thức Trẻ