Khác hẳn với vẻ sang trọng, chỉn chu khi xuất hiện trên sóng truyền hình với vai trò một doanh nhân, Shark Linh trong buổi trò chuyện mang đôi dép kẹp giản dị mà chị bảo để đi lại cho tiện và chị vốn không quen mang giày cao gót.
Doanh nhân Thái Vân Linh thú nhận chị luôn “giấu” sẵn đôi giày cao gót phía dưới ghế ngồi, để khi cần. Còn đôi dép kẹp là vật bất ly thân của chị. “Thường mọi người sẽ gặp một Thái Vân Linh với quần jean áo thun, dép kẹp hết sức đơn giản khi tôi không đi làm, không phải xuất hiện ở những nơi cần trang phục trang trọng, đó là phong cách của Linh”, chị nói.
– Bây giờ nhiều người quên mất chị là doanh nhân Thái Vân Linh mà “đóng đinh” với Shark Linh, cảm giác của chị thế nào về danh xưng này?
-Tôi thấy mọi chuyện bình thường, bởi “cấu trúc” của Shark Linh cũng không khác gì Thái Vân Linh, vẫn là doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính và ưu tiên khởi nghiệp. Chỉ là cái tên thôi mà (cười). Nhưng nói thật được gọi Shark Linh đôi lúc tôi cũng thấy hài hước. Tôi không nghĩ mình đáng sợ như cá mập, nhưng trong môi trường tài chính hay khởi nghiệp, người ta sợ mình thì cũng không sao, vì tự nhiên cảm thấy tự tin hơn chút (cười).
– Cơ duyên nào khiến chị hào hứng tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ, và trở thành “cá mập” quyền lực của cả 2 mùa liên tiếp?
– Tôi rất mê phiên bản Mỹ của chương trình này. Những thảo luận về khởi nghiệp chi tiết và thực tế từ chương trình khiến mình có thể học được nhiều điều hay. Khi thấy chương trình manh nha ở Việt Nam thì tôi đã bị kích thích rồi. Cái duyên của tôi là ông xã có làm việc chung với công ty sản xuất chương trình, khi thấy họ trao đổi cần một “cá mập” là nữ thì chồng tôi đã giới thiệu tôi.
Trong một ngày tiếp xúc, cả tôi và ban tổ chức đều cảm thấy phù hợp. Có thể nói, việc đến với chương trình cũng có nhiều phần tôi chủ động.
– Chương trình thì quá ngắn để các startup trình bày dự án, chừng ấy thời gian cũng khó cho các Shark quyết định xuống tiền, có bao giờ chị quyết định sai không? Thường chị dựa vào yếu tố nào để đầu tư: Con người hay sự hấp dẫn của lĩnh vực gọi vốn?
– Tôi quan tâm đến con người, không chỉ cá tính mà khả năng thực thi công việc của cá nhân họ.
Nói cho dễ hiểu nghĩa là khi tôi hỏi về vấn đề gì họ có hiểu chi tiết hay không, trả lời có sâu không? Từ chương trình đến thực tế, sẽ có sự khác biệt, và đó là điều mình phải lường trước.
Còn quyết định vội hay sai thì tôi thấy nó còn là cái duyên nữa. Tôi cũng khó cắt nghĩa việc mình quyết định vội hay không? Khi tôi gật đầu, theo ý nghĩ chủ quan của tôi thì startup đã chứng minh được đó là dự án tiềm năng. Có thể như thế là tôi hơi khác biệt.
– Theo đuổi khởi nghiệp rất sớm, chị đánh giá thế nào về phong trào khởi nghiệp khá rầm rộ ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng giới trẻ Việt đang khởi nghiệp theo phong trào, thiếu sự chuẩn bị vốn, kiến thức, kinh nghiệm, nên dễ thất bại, chị thấy nhận định này đúng không?
-Thật khó để đưa ra một nhận định, như thế có thể là đánh đồng tất cả, có thể sẽ mang đến nhiều tác động tiêu cực cho phong trào khởi nghiệp, bởi mỗi nhà khởi nghiệp đều mang một cá tính riêng, dù trong phong trào này cũng có người khởi nghiệp vì thấy có vẻ “hot” và nhiều người làm thì họ làm theo.
Tôi cũng nói rõ là trên thế giới, tình trạng này rất nhiều, không nên gán cho Việt Nam.
Với tôi, khởi nghiệp thực sự tốt đẹp. Những người khởi nghiệp đúng nghĩa sẽ hiểu được hành trình họ đi và xác định được khó khăn, thách thức. Đầu tiên, bạn phải thấy hành trình mình đi là rất dài, nếu tính trung bình thì khoảng 10 năm, và trong thời gian này, chúng ta sẵn sàng tâm thế rỗng túi, phải vất vả mọi lúc mọi nơi.
Bạn đừng nhìn vào cái đích ngắn hạn, như kiểu viết một ứng dụng rồi sang năm trở thành tỷ phú. Một startup có thể có nhiều năm trắng cả doanh thu và lợi nhuận, nhưng chỉ cần 4-5 năm sau lại có mức tăng trưởng gấp trăm lần.
-Vậy lời khuyên của chị cho những người trẻ đang có ý định khởi nghiệp như thế nào?
– Tôi muốn các bạn phải suy nghĩ thật sâu, rằng các bạn rất muốn khởi nghiệp hay muốn làm giàu? Khởi nghiệp là một con đường rất khổ và cô đơn, vì bạn bè xung quanh khó để hiểu được bạn, bắt kịp ý tưởng của bạn. Bạn đã sẵn sàng rỗng túi để theo đuổi một giá trị lớn khác trong tương lai hay chưa? Theo con đường này thì sẽ luôn luôn nghèo, vì tỷ lệ thành công với startup rất thấp.
Bạn cũng phải nhìn nhận, rằng khởi nghiệp là con đường bạn tự chọn hay bị ép buộc, tức không còn cách nào khác buộc bạn phải startup. Nếu bị buộc thì nên đi học thêm và đi làm ở vài tổ chức khác, tích lũy kinh nghiệp qua nhiều vị trí khác nhau, vừa kiếm tiền. Đi làm cho các tổ chức để mình hiểu cách vận hành doanh nghiệp thì tỷ lệ gọi vốn thành công sẽ cao hơn, điều hành doanh nghiệp tốt hơn.
Một nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy những công ty thành công nhất có nhà sáng lập từ 35 tuổi trở lên, nên đừng lo muộn, mà cần trải nghiệm thực tế.
– Chị nói khởi nghiệp rất cô đơn, và nghèo. Chị cũng từng khởi nghiệp, vậy chị gặm nhấm nỗi cô đơn của mình ra sao?
– Tất nhiên tôi rất nhớ sự cô đơn đó, mặc dù tôi khởi nghiệp khá muộn và cũng có chút vốn rồi.
Ở giai đoạn đầu, khi một mình một văn phòng, đó là sự đấu tranh ghê gớm của tôi giữa động lực làm việc trước mắt và làm sao để đi lâu dài. Bạn thử nghĩ xem, hôm nay tôi mệt quá, tôi muốn về để làm vài việc cá nhân, và nghỉ ngơi. Nhưng rồi chỉ việc nuông chiều bản thân cũng không dám làm, vì rất nhiều việc đang đợi. Tôi lại lo nếu không nỗ lực thì những kế hoạch của mình sẽ khó thực hiện.
Tôi đã có một thời gian dài phải một mình, cô đơn và giằng xé giữa các ý nghĩ. Điều đó tác động ghê gớm đến tâm lý, dù mình không phải trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Qua giai đoạn tự giằng xé đó rồi nhưng tôi luôn phải gặm nhấm sự cô đơn. Cũng may tôi có ông xã chịu lắng nghe. Nhiều lúc tôi không thể chịu đựng và “tuôn” một tràng dài với anh ấy. Chồng không nói gì chỉ dang tay ôm vỗ về.
Tôi cũng qua 2 lần thất bại mới tạm ổn với kế hoạch của hôm nay, chứ không phải bắt tay làm là thành công.
– Chị được đào tạo bài bản về tài chính ở Mỹ, sao không gắn bó với những thị trường sôi động mà lại về Việt Nam, một thị trường mới, vốn được cho là thiếu sự minh bạch?
– Với tôi, việc quay về Việt Nam lại là điều may mắn, và tôi cũng phải mất 10 năm chuẩn bị để đón nhận sự may mắn ấy.
Tôi sinh ra ở Chợ Lớn nhưng rời Việt Nam theo gia đình sang Mỹ khi mới 2 tuổi. Tại Mỹ, tôi lớn lên ở nơi không có đông cộng đồng người Việt sinh sống. Tôi chỉ có một người bạn Việt Nam học chung thời đại học, và cơ duyên về Việt Nam cũng nhờ người bạn này.
Làm trong ngành tài chính ở Mỹ là thời gian tôi học hỏi và tìm hiểu được nhiều điều bổ ích. Những năm mới ra trường, tôi lao vào làm việc cật lực và từ 9h sáng đến tối khuya với mục đích học tập, kiếm tiền. Nhưng công việc lặp đi lặp lại khiến tôi nhàm chán. Sau khi học xong chương trình MBA, tôi nghĩ mình cần một cuộc sống đa dạng hơn, tạo ra giá trị lớn hơn, và rất muốn làm việc khác hơn tài chính.
Thực lòng thì châu Á là nơi tôi muốn đến, ưu tiên là về Việt Nam, đó là quê hương nhưng tôi hoàn toàn không có thông tin gì, nên đem ý tưởng chia sẻ với người bạn Việt Nam. Thật may, bạn ấy giới thiệu tôi về VinaCapital ở Việt Nam, vì quỹ này đang tuyển một giám đốc đầu tư. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ đây là cái duyên đưa mình về Việt Nam, vì một lúc thỏa mãn cả hai yếu tố mình mong muốn.
Thế là tôi gói ghém hết đồ đạc, lên máy bay về Việt Nam ngay khi phỏng vấn thành công. Quyết định về Việt Nam có lẽ là đúng đắn và chín muồi nhất trong mọi quyết định của tôi, vì khi cơ hội đến cũng chính là lúc mình đã sẵn sàng đón nhận.
Còn câu chuyện về sự minh bạch của thị trường tài chính cũng khó nói lắm. Tôi chỉ muốn khẳng định là những thị trường mới như Việt Nam thì cơ hội nhiều hơn, sôi động hơn. Nói gì thì nói, những thị trường đã ổn định thì mọi thứ đã vào khuôn khổ, khó đột phá.
– Người ta nói người làm tài chính rất khô khan, vì chỉ đối diện với con số và sự rạch ròi. Nhưng tiếp xúc với chị hay những gì chị thể hiện thì dường như không phải. Nhờ đâu chị tạo nên sự khác biệt này?
– Nói đúng ra tôi là “một nồi lẩu thập cẩm” chứ không chuyên tài chính. Trước khi làm trong ngành tài chính tôi đã trải qua 4-5 năm làm tiếp thị và marketing, bây giờ thì cũng đã có nhiều năm đầu tư mạo hiểm rồi.
Tôi nghĩ hoạt động “thập cẩm” như vậy khiến tôi trở nên linh hoạt, mềm mại hơn. Các lĩnh vực trải qua cũng tạo cho tôi điểm mạnh, là khả năng tìm ra phương pháp để thực hiện.
– Chị luôn xuất hiện với một phong thái rất thanh lịch, duyên dáng, gu thời trang sành điệu. Shark Linh có phải là người rất chịu khó làm đẹp, chăm chút vẻ bề ngoài?
– Có lẽ vì tính chất công việc đòi hỏi sự chỉn chu buộc tôi phải chú ý tới vẻ bề ngoài. Mặc đẹp cũng là do em gái tôi “ép buộc”, vì tôi còn có công ty thời trang, tôi bị buộc phải đại diện cho sản phẩm của mình, và đành thay đổi.
Bản thân tôi là người thích sự thoải mái, đơn giản. Một người luôn ưu tiên mọi thứ vì công việc thì tôi không muốn mất quá nhiều thời gian cho vẻ bề ngoài đâu. Thường thì tôi không chăm chút quần áo, không có make up gì hết. Tôi thích quần jean áo thun và dép kẹp gọn gàng, còn không xài cả son môi.
Nhưng bây giờ, sự quan trọng của vẻ ngoài cũng giúp cho mình nhiều trong công việc, nên tôi dần chấp nhận dành một chút thời gian để để ý ngoại hình. Một chút thôi, chứ không phải chăm chút đâu.
Đẹp với Shark Linh là chỉ cần cho người ta thấy được mình có quan tâm đến bản thân mình, tạo niềm tin cho người xung quanh.
– Thấy vợ quan tâm ngoại hình và thay đổi nhiều so với trước đây, chồng chị phản ứng ra sao?
-Tôi và chồng quen nhau từ thời sinh viên và hơn 10 năm sau chúng tôi gặp lại tại Việt Nam. Tất nhiên, ông xã có bất ngờ về sự thay đổi, nhưng anh chấp nhận con người Thái Vân Linh. Dù tôi ở vai trò nào, diện mạo ra sao anh cũng ủng hộ, vì cả tuổi trẻ và hôm nay của tôi đều gắn bó với anh ấy.
– Nhân viên của chị nói sếp Linh rất quý thời gian và thường ăn trưa ngay văn phòng bằng đồ ăn mang từ nhà. Đó là sở thích hay chị không có thời gian cho những bữa ăn trưa “la cà” theo cách của nhiều người làm văn phòng ở Việt Nam?
– Tôi bị mê công việc và hay nghĩ mình mất một ngày vài tiếng để ăn uống và tám chuyện thì lãng phí quá. Thường trong tuần tôi cố gắng đi ăn trưa với người nào đó một lần, để đảm bảo mình có giao tiếp với người khác ngoài công việc, chứ mỗi ngày đều đặn dành khoảng thời gian này để la cà, tôi thấy lãng phí lắm.
Thay vào đó, tôi lựa chọn đọc tin tức giờ trưa, đọc thêm về chuyên môn. Có lẽ tôi hơi cực đoan, nhưng đây là tính của tôi, cứ thấy tiếc thời gian.
– Cuộc sống riêng của doanh nhân Thái Vân Linh bận rộn được cân bằng như thế nào? Chị dành thời gian cho gia đình nhỏ ra sao? Shark Linh có giống những phụ nữ Việt khác, chiều về nấu ăn và chờ chồng, con cùng ăn bữa cơm gia đình không?
– Tôi thừa nhận là thiếu thời gian cho gia đình. Nhưng có lẽ hoàn cảnh khó khăn từ nhỏ hình thành trong tôi thói quen nghĩ nhiều đến công việc hơn là tận hưởng những thú vui khác.
Ngay từ thời đi học, tôi cũng phải làm thêm để phụ giúp gia đình, ra trường đi làm và startup thì công việc cũng rất nhiều, thực sự tôi chưa hình thành khái niệm về giải trí. Tôi không biết như thế là có cứng nhắc không, nhưng bây giờ, để thời gian trống cho mình tận hưởng điều gì đó thì tôi rất tiếc.
Tôi cũng thừa nhận tôi là người mẹ ít dành thời gian cho con nhất. Một ngày của tôi bây giờ là thức dậy khoảng 5h30 và dành chừng 1 tiếng đồng hồ chơi với con, thật tập trung. Sau đó thì chuẩn bị đi làm, quay về nhà sớm cũng 8h tối, chuẩn bị ăn uống rồi phần lớn thời gian trước khi ngủ cũng… làm việc.
Tôi đã cố gắng vào bếp, nhưng để nấu đồ ăn cho con chứ đừng bắt tôi nghĩ hôm nay ăn gì. Tôi cũng không có thời gian và cũng không giỏi chuyện bếp núc.
Còn bữa cơm gia đình mỗi ngày tôi cũng đang cố gắng, nhưng thật khó, vì cả hai vợ chồng đều rất bận. Cũng may, tôi có mẹ giúp đỡ việc nhà cửa, chăm con còn em gái hỗ trợ công ty riêng. Tôi hay nói vui là tôi đã thành công vì “nhập khẩu” được mẹ và em gái về Việt Nam.
– Nhân viên của chị có lẽ rất áp lực với guồng quay công việc, và họ làm sao dám rời công ty về nhà trước, khi sếp vẫn miệt mài làm việc?
– Không đâu. Tôi rất tôn trọng văn hóa coi trọng gia đình và bữa cơm gia đình ở Việt Nam. Tôi không quản lý nhân viên theo thời gian, mà dựa trên hiệu quả công việc. Nhân viên của tôi phải có cuộc sống riêng ngoài công việc, và họ phải chăm lo chứ. Họ thậm chí chưa xong việc vẫn có thể về sớm lo việc gia đình nếu cần thiết. Công việc không nhất thiết phải giải quyết ngay thời điểm đó, quan trọng là họ cân đối giữa gia đình và công việc ổn thôi.
Tôi làm việc đến 8h hay 10h tối không có nghĩa là mọi người xung quanh mình cũng phải như vậy đâu.
-Ở Việt Nam, làm gì đi nữa thì vẫn có thời điểm người ta nghĩ đến khái niệm “về hưu”. Chị có tính tới thời điểm về hưu của mình chưa?
– Bây giờ mà
nghĩ đến chuyện về hưu thì tôi thấy chán lắm. Não của con người về cơ bản là cơ, và nó phải được hoạt động liên tục để duy trì sự dẻo dai. Tôi nghĩ chỉ cần giảm cường độ làm việc xuống sau tuổi 60, hơn là về hưu hẳn.
Tuổi ngoài 60 mà tôi nghĩ đến có thể là đi du lịch lâu hơn một chút, tăng số chuyến đi chơi thêm trong một năm, chứ tôi vẫn thích thức dậy mỗi ngày và đi làm việc. Tôi rất khó để nói không với công việc, ngay cả những công việc tìm đến tôi hay do tôi tạo ra. Với tôi hạnh phúc là được làm việc.
Có thể đến một ngày nào đó tôi sẽ biến mất khỏi cuộc sống, nhưng chắc chắn là tôi sẽ để lại một điều gì đó có giá trị cho cộng đồng. Tôi khao khát có được điều này.
– Như vậy tại sao chị không nghĩ đến chuyện đầu tư lĩnh vực an toàn hơn, để có thể bảo toàn vốn chuẩn bị cho những gì chị ấp ủ?
– Đại diện cho quỹ đầu tư mạo hiểm thì mình đòi hỏi phải có những chiến thuật mạo hiểm. Nhưng với các khoản đầu tư cá nhân, tôi đang xây dựng chiến lược chắc chắn và ổn định hơn, không cho phép mình đi qua ranh giới mạo hiểm quá xa.
Ngoài ra trong đầu tư, mạo hiểm hay không cũng nên xét vào độ tuổi của mình. Khi còn trẻ, tôi sẽ chấp nhận mức độ rủi ro cao, nên đưa 90% vốn vào lĩnh vực mạo hiểm. Nhưng với độ tuổi ngoài 40 như tôi bây giờ, tôi không còn nhiều thời gian để làm lại nếu thất bại, tôi đã bắt đầu chuyển về hướng an toàn nhiều hơn.
– Chị đã nghĩ đến sự an toàn, vậy chị có nghĩ sẽ giảm công việc để giành thời gian hưởng thụ cuộc sống, chăm chút cho gia đình nhỏ không?
-Thật lạ là tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó, vẫn thấy mình đang có năng lượng bất tận với công việc. Tôi phân chia giai đoạn sự nghiệp rõ ràng. Những năm 20 tuổi mình khờ dại nên phải tích cực làm việc, bởi đây là quá trình học hỏi, học càng nhiều kỹ năng cứng về chuyên môn càng tốt.
30-40 tuổi là lúc tôi thu nạp và tăng trưởng kỹ năng mềm. Từ 40 tuổi trở đi là thời gian để tôi kết nối hai kỹ năng đã học và tham gia vào các lĩnh vực cao hơn của chuyên môn. Giai đoạn này với tôi rất quan trọng và không thể bỏ lỡ. Nếu thời trẻ mình chỉ tập trung vào từng dự án riêng biệt thì 40 tuổi mình cần phải có góc nhìn toàn diện, để thúc đẩy cả một chiến lược.
Nếu lúc này tôi cho phép mình chậm lại để chăm gia đình, con cái thì vài năm sau tôi có thể sẽ lỡ thời. Gia đình là quan trọng, nhưng tôi không buộc mình phải hy sinh.
– Luôn sợ lỗi thời nếu không làm việc, phấn đấu, vậy tại sao chị lại quyết định lấy chồng, sinh em bé. Có lẽ đây là quyết định đầu tư mạo hiểm của Thái Vân Linh?
– Tôi đã có một thời gian dài lựa chọn sự nghiệp, nói như các bạn trẻ bây giờ là dành cả thanh xuân cho sự nghiệp. Tôi lập gia đình khi đã 35 tuổi, sinh con ở tuổi gần 40. Lúc lập gia đình, tôi cũng phân vân chuyện sinh con chứ. Nhưng xung quanh ai cũng nói giống nhau: sinh con là việc hạnh phúc nhất của người phụ nữ. Nhiều người cùng nói về một thứ thì mình cũng nên tin thử, và thế là tôi làm thử.
Đôi lúc bệnh nghề nghiệp, tôi vẫn nghĩ một cách hài hước: lấy chồng sinh con đúng là dự án đầu tư mạo hiểm, và không biết đến khi nào mình mới thoái vốn được? Như bạn thấy đấy, dự án này chưa thấy lãi gì cả mà mình cứ phải tăng cường đầu tư. Nhưng trong dài hạn thì đúng là sự tăng trưởng rất tốt, mình kiên nhẫn đầu tư và chờ đợi thì chắc chắn đạt điểm kỳ vọng thôi (cười).
Với các chị em phụ nữ trẻ cũng vậy, tôi nghĩ mọi người cần sống theo đúng với bản thân mình. Cần sự nghiệp thì hãy cố gắng hết sức vì sự nghiệp, cần gia đình thì cứ lập gia đình dù có trễ. Bạn đừng làm gì theo mô típ thời thượng, mà hãy làm khi mình chắc chắn muốn điều đó, vì khi mình lựa chọn cánh cửa này thì những cánh cửa khác sẽ đóng lại. Không có đúng sai, chỉ có sự lựa chọn có đúng như mình muốn hay không mà thôi.
– Tuổi 40 nói hài lòng thì quá sớm, nhưng đến lúc này, chị đã hài lòng với những gì mình có chưa?
– Có thể. Muốn thì tôi còn muốn rất nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống hiện tại của tôi thiếu thốn và không hạnh phúc.
Tôi đang rất hạnh phúc với cuộc sống có một người chồng rất chia sẻ, một đứa con dễ thương và ngay cả công việc rất bận bịu nhưng tôi lại được làm đúng những gì mình thích. Tôi tận hưởng niềm vui trên từng khoảnh khắc công việc, cuộc sống của tôi cũng rất sống động dù tràn ngập công việc.
Nếu dùng tinh thần tiến thủ để biến tất cả những cái mình cần thành của mình bằng tinh thần sáng tạo, biến kinh nghiệm nhỏ nhoi thành hiện thực lớn thì người ta không chần chừ bất cứ điều gì trong cuộc đời họ.
Chung Ju Yung – Tác giả cuốn sách Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách