Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: Nếu thắng cuộc đua trong giáo dục thì sẽ thắng trong kinh tế, vì giáo dục tạo ra nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng cao sẽ quyết định sự thành bại của cả quốc gia.
Chia sẻ về khát vọng của dân tộc Việt Nam trên đường hội nhập quốc tế, GS. TS Sử học Trần Thị Vinh, (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nói: “Người Việt Nam có khát vọng và khát vọng đó rất lớn, mơ ước cũng kinh khủng lắm nhưng mình chưa kết hợp được sức mạnh của dân tộc, biến khát vọng thành hiện thực”.
Người Việt Nam có khát vọng rất lớn
– Gần đây GS có bài tham luận đáng để nhiều người suy ngẫm về sự phát triển thần kỳ của Singapore. Vì đâu mà một đất nước kém chúng ta về mọi mặt: Lịch sử, địa lí, tài nguyên, con người… lại phát triển nhanh tới vậy, thưa GS?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Để lý giải về sự phát triển thần kỳ của Singapore thì có nhiều cách. Mình vẫn hay nói là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ở Singapore thực tế không có những điều kiện tài nguyên như Việt Nam, đó là một hòn đảo khô cằn và khi thoát khỏi thuộc địa của người Anh đất nước này chỉ là một nơi trung chuyển hàng hóa, thậm chí còn là một xóm chài, là nơi trú ẩn của phường cướp biển. Bạn hình dung ngay cả nước dùng sinh hoạt và trong nông nghiệp phải nhập khẩu từ Malaysia, toàn bộ là đảo không có nước ngọt.
Khó khăn như vậy nhưng khát vọng của người Singapore vô cùng lớn, Thủ tướng Singapore lúc đó còn rất trẻ là ông Lý Quang Diệu (36 tuổi) luôn trăn trở: Làm thế nào để đưa dân tộc đói nghèo này vươn lên thành một quốc gia thịnh vượng. Khát vọng là một chuyện nhưng còn có điều kiện, điều kiện là gì? Nó là sự tổng hợp từ nội lực và ngoại lực kết hợp với nhau hài hòa.
Nội lực chính là thế hệ trẻ, chính sách giáo dục, quan trọng nhất là đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn. Thực ra Lý Quang Diệu không có khả năng để hoạch định đường lối cho Singapore mà ông phải đi thuê tư vấn (Nhà kinh tế học người Hà Lan Albert Winsemius, là chuyên gia hoạch định chính sách phát triển cho các quốc gia mới thoát khỏi thuộc địa) hoạch định chính sách cho Singapore.
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã biết thu hút nhân tài của thế giới, kết hợp với nguồn nội lực trong nước để phát triển. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực.
Chính sách giáo dục của Singapore ngay từ buổi đầu đã tỏ ra là có tầm nhìn xa trông rộng, kết hợp bản sắc dân tộc với những phương pháp giáo dục tiên tiến nhất của thế giới, có thể khẳng định Singapore hoàn toàn theo mô hình giáo dục của Anh. Sau khi thoát khỏi ách thuộc địa thì Singapore không thay đổi chính sách giáo dục, hệ thống, chương trình đều theo Anh. Học sinh thi tốt nghiệp lớp 12 được gửi bài sang Anh để chấm, chính vì thế họ không nhiều lần trải qua cải cách giáo dục như chúng ta.
Mô hình giáo dục của Anh đưa vào Singapore đã có những sáng tạo lớn, có hai điểm nhấn: Thứ nhất, là chính sách song ngữ: Học sinh phổ thông học hai thứ tiếng (tiếng Anh và tiếng Hoa), một học sinh tốt nghiệp THPT ở Singapore ra sẽ thông thạo 2 thứ tiếng như nhau, và vào các trường đại học 100% học tiếng Anh.
Với chính sách này học sinh có điều kiện hội nhập với thế giới ngay từ khi còn là phổ thông, với tiếng Hoa sẽ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ hai, đề cao sự sáng tạo, đề cao tiếp cận năng lực học sinh, không coi việc nhồi kiến thức là chính, nếu như giáo dục Việt Nam cứ cung cấp càng nhiều kiến thức càng tốt thì giáo dục Singapore lại ngược lại, họ coi việc dạy kỹ năng, dạy năng lực để tiếp nhận kiến thức. Cũng giống như cho cần câu cá để biết cách câu cá chứ không phải mang cho con cá.
– Nói như GS, phải chăng dân tộc Việt Nam không nhiều khát vọng?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Thực ra khát vọng dân tộc nào cũng có, biến khát vọng thành hiện thực mới là vấn đề, phải biến khát vọng thành sức mạnh. Người Việt có khát vọng lớn lắm, nhưng để biến thành hiện thực là cả chặng đường dài, chứ không phải từ khát vọng thành hiện thực luôn.
Không thể nói Việt Nam kém khát vọng được.
– GS có nghĩ khát vọng bắt nguồn ở một nền giáo dục?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Không phải, thực ra khát vọng là mong muốn của dân tộc mình, từ một dân tộc nghèo khó, sinh ra từ chiến tranh, bây giờ phải làm sao vượt qua khó khăn đó để phát triển. Muốn biến khát vọng từ ý tưởng thành hiện thực thì phải có chính sách, phải có chiến lược phát triển, phải phát huy được nội lực và ngoại lực.
Theo tôi, Việt Nam có khát vọng và khát vọng đó rất lớn, mơ ước cũng kinh khủng lắm nhưng mình chưa kết hợp được sức mạnh của dân tộc, biến khát vọng thành hiện thực. Muốn thành hiện thực tôi nhắc lại phải có một chiến lược mang tính dài hạn, muốn có chiến lược đó phải có tầng lớp lãnh đạo tinh tú, giỏi, thông tuệ về kiến thức, có ý chí và có một tầm nhìn.
Ông Lý Quang Diệu cũng từng nói, nếu một đất nước như Singapore mà không có thế hệ lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm, có tài thì Singapore không có mặt trên bản đồ thế giới. Cho nên thành công là sự kết hợp từ nhiều yếu tố, ai cũng có khát vọng, tôi có, bạn có, cả dân tộc đều có.
Thắng cuộc đua giáo dục là thắng về kinh tế
– Nói về khát vọng GS có kỳ vọng gì ở công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo sắp tới, khi mà ngành giáo dục đặt quyết tâm đổi mới trong tư duy và đổi mới trong từng học sinh, giúp các em có được năng lực sáng tạo?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Tôi rất kỳ vọng, vì cải cách giáo dục sắp tới đó là thể hiện khát vọng của Việt Nam muốn thay đổi hoàn toàn nền giáo dục, vì giáo dục chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước, nhân lực đó là nhân tố quyết định đến sự thành công của Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng học hỏi kinh nghiệm của rất nhiều nước, trong đó có Singapore. Vấn đề là kinh nghiệm này không thể áp dụng máy móc được, có thể thành công ở Singapore nhưng lại thất bại ở Việt Nam vì không phù hợp. Singapore khác ở chỗ, xuất phát điểm là thuộc địa của Anh, khi người Anh ra đi đã để lại một di sản quan trọng, trước hết là nền tảng tiếng Anh vững chắc, thứ nữa là luật pháp vô cùng chặt chẽ, vô cùng minh bạch.
– Có một học giả đã dành tặng câu nói cho người Việt Nam rằng:“Tầm nhìn khu vực, khai mở dân trí và đổi mới các quốc gia”, GS hiểu câu nói này như thế nào, phải chăng dụng ý của học giả này chỉ hy vọng Việt Nam có một tầm nhìn khu vực?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Thực ra tầm nhìn của Việt Nam không chỉ là ở khu vực, vì học hỏi được kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Việt Nam có lợi thế là một nước đi sau, có thể đi tắt, đón đầu, có nhiều sự lựa chọn. Nên giáo dục cải cách mới của chúng ta không chỉ ở khu vực.
Theo tôi, tầm nhìn của chúng ta không hạn hẹp trong khu vực mà đã có tầm nhìn toàn cầu, nhất là bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì không nên chỉ coi khu vực là nhất, mà cần phải học hỏi các nước những điểm phù hợp với mình.
GS. TS. Trần Thị Vĩnh cũng cho biết, chính sách trọng dụng nhân tài là một trong
những yếu tố để biến khát vọng thành hiện thực. Ảnh Trần Kháng.
Chính ông Lý Quang Diệu từng khuyên Việt Nam rằng, đừng nên lấy một mô hình nào áp dụng cho Việt Nam mà hãy lựa chọn những điểm tốt nhất của các quốc gia để áp dụng vào đất nước. Quan điểm của tôi có thể lựa chọn những điểm sáng, điểm tốt của những mô hình giáo dục trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam, nhưng không bao giờ áp dụng máy móc.
Ông Lý Quang Diệu từng nói: Nếu thắng cuộc đua trong giáo dục thì sẽ thắng trong kinh tế, vì giáo dục tạo ra nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng cao sẽ quyết định sự thành bại của cả quốc gia.
– Chính sách trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta đang kém dần thưa GS?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài thì quốc gia nào cũng có, Việt Nam mình cũng trọng dụng nhưng có lẽ chưa đủ độ cần thiết để có thể thu hút được một cách hiệu quả nhất nhân tài. Bài học nhãn tiền đã có, rất nhiều học sinh giỏi, kỹ sư giỏi, chuyên gia giỏi khi học tập tại nước ngoài thì không quay trở lại Việt Nam nữa. Họ rất yêu nước, rất mong muốn trở về nhưng đất nước chưa đủ điều kiện để họ phát huy được tài năng của họ, tôi nghĩ môi trường làm việc ở ta còn thiếu thốn, đặc biệt là cơ chế.
Nhà nước ta có chính sách nhưng chưa tạo ra đầy đủ những điều kiện cần thiết để thu hút được nhân tài, nên chảy máu chất xám cũng là nguyên nhân khiến chúng ta chưa thực sự phát triển như Singapore. Bài học của Singapore là trung tâm thu hút nhân tài, có chế độ đãi ngộ tốt, tạo điều kiện làm việc, quan trọng là họ có chiến lược lâu dài.
– Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải giải mã được bài học của những nước được coi là phát triển, lấy đó làm bài học để chúng ta đi lên?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Tôi nghĩ là chúng ra cũng giải mã rồi, nhưng giải mã xong thì hành động tiếp theo là gì? Cơ chế chúng ta có cho phép thực hiện hay không mà thôi?
– Theo GS, chúng ta cần yếu tố nào để khát vọng trong mỗi thanh niên được“nảy mầm”?
GS. TS. Trần Thị Vinh: Chính sách trọng dụng nhân tài là một trong những yếu tố để biến khát vọng thành hiện thực, ngoài ra còn có đường lối chiến lược, đó là sự kết hợp của nhiều nhân tố. Điểm quan trọng nữa là biết phát huy lợi thế của từng quốc gia. Singapore phát huy rất tốt lợi thế của một đất nước hải cảng quốc tế.
Chúng ta phải tìm được lợi thế của chúng ta là gì để kết hợp với các nhân tố khác để biến khát vọng thành sức mạnh. Chúng ta cũng đã bấm nút cho lợi thế chuyển động nhưng chưa thành công. Thực ra, thế giới đánh giá cao Việt Nam, gọi Việt Nam là ngôi sao đang lên, là con rồng nhỏ, nhưng hiện đang có biểu hiện chững lại, có thể rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ.
“Tôi thích bản thân sự trưởng thành của Trung Nguyên, đó thể hiện khát vọng và biến khát vọng thành hiện thực. Chính Trung Nguyên là một câu chuyện mang tính điển hình trong các doanh nghiệp Việt Nam (đi từ khát vọng thành hiện thực).
Nguyên nhân thành công của Trung Nguyên đã có nhiều người nói, nhưng với cách nhìn của một người làm trong nghề giáo tôi thấy Trung Nguyên biết trọng dụng nhân tài, bản thân Trung Nguyên không chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận mà đặt cho mình mục tiêu rất nhân văn: Biến khát vọng của một doanh nghiệp trở thành khát vọng của một thế hệ, nên Trung Nguyên tập trung vào thế hệ trẻ”.
Theo giaoduc.net.vn