Trước khi trở thành những vĩ nhân, những người có tầm ảnh hưởng, ít nhất ai cũng mang trong mình một nỗi sợ hãi, có người sợ đói nghèo, sợ bị chỉ trích, sợ đám đông… hoặc có những tật bẩm sinh tưởng như sẽ đi cùng mình cả cuộc đời. Nhưng “không gì là không thể”, với tinh thần Chiến binh tâm, không nỗi sợ nào là vĩnh viễn, giống như câu chuyện của ông vua của nước Anh – George VI trong bộ phim “The King’s Speech”, hay câu chuyện thực tế của các bạn trẻ đã chia sẻ trong chương trình Thứ 7 năng lượng cùng Trung Nguyên Family với chủ đề “Chiến binh tâm – Nguồn năng lượng cho sự thành công” diễn ra ngày 05/11/2016 vừa rồi tại Trung Nguyên Family 35A Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP. HCM.
Câu chuyện về tinh thần chiến binh và niềm tin, ý chí của nhà vua George VI trong bộ phim “The King’s Speech” – người đã nỗ lực vượt qua mặc cảm và nỗi sợ hãi do tật nói lắp (cà lăm) từ bé để để mang giọng nói của mình truyền lửa cho toàn thể người dân nước Anh, để xứng đáng là vị vua lãnh đạo đất nước trước sự đe dọa của Chiến tranh Thế giới thứ hai đã để lại nhiều bài học ý nghĩa về niềm tin trong lòng các bạn tham dự. Bạn Võ Đại Quốc chia sẻ: “Lần thứ hai xem lại bộ phim này nhưng mình vẫn còn nguyên cảm xúc. Nhà vua thật sự đã rất kiên nhẫn và thành công khi luyện tập những phương pháp trị liệu mặc dù có chút khác thường của ông bác sĩ như cách hít thở, múa hát… Xem xong bộ phim này như tiếp thêm sức mạnh cho mình, mặc dù lúc này rất run nhưng mình thật sự muốn được chia sẻ cùng mọi người”. Nỗi sợ về chính bản thân là nỗi sợ lớn nhất, nhưng nếu có niềm tin và vượt qua bản thân, chúng ta sẽ vượt qua tất cả.
Những thước phim ý nghĩa như tiếp thêm ngọn lửa niềm tin, nhiệt huyết trong lòng các bạn tham gia, để các bạn mở lòng chia sẻ những câu chuyện thật về nỗi sợ hãi của bản thân và cách mà các bạn đã vượt qua nó. Đó là câu chuyện của bạn Phan Bá Lành – sinh viên trường Đại học Ngoại thương, Trưởng Dự án Sách và Hành động tại khu vực TP. HCM: “Lên Đại học, lớp mình có 110 bạn, mỗi lần mình đứng lên phát biểu y như rằng mọi người sẽ cười, lúc đó tim đập, tay chân rung cả lên, lời nói lẫn lộn, miệng cứ lắp bắp. Mình vẫn nhớ như in cái hôm mình được thầy cô đưa micro phát biểu, lúc đó mình có một quyết định táo bạo là đi thẳng lên bục giảng, cố gắng nói chậm lại, trình bày rõ ràng cộng với kiến thức mình nghiên cứu kỹ càng trước giờ, lần đó mình còn nhấn nhá, dùng cả ngôn ngữ cơ thể để phần trình bày thêm sống động hơn. Nói xong, các bạn ngồi dưới giảng đường vỗ tay nhiều lắm. Lúc đó mình tin mình đã vượt qua nỗi sợ hãi bấy lâu của bản thân. Mặc dù hiện giờ mình nói chưa trôi chảy lắm nhưng mình luôn sẵn sàng nói trước đám đông. Với tinh thần dám thất bại, thua lần này mình lại tiếp tục làm lần khác thì mình tin chúng ta sẽ vượt qua được những gì còn e ngại.”
Còn với bạn Đức Vũ – Giáo viên dạy tiếng Anh – người đã từng vượt qua nỗi sợ đứng trước đám đông khi trải qua nhiều cuộc thi thì: “Cách đây 1 năm, mình tham gia cuộc thi Hành trình những cuốn sách đổi đời của Trung Nguyên, lại là nhóm trưởng của nhóm Hòn Ngọc Viễn Đông. Không giống với tưởng tượng ban đầu, quy mô chương trình quá lớn làm mình bị choáng ngợp, lúc đó mình nghĩ: “Hóa ra chương trình của sinh viên to thế!”. Khi bốc thăm chủ đề để thuyết trình mình run lắm, mà lúc đó chỉ biết phóng lao theo lao thôi. Càng nói mình càng tự tin, và kết quả đội mình là top 4 đội mạnh nhất năm đó. Cách mà mình khắc phục nỗi sợ trước khi lên sân khấu là chạy tại chỗ, nắm tay và nói “YES”, thêm vào đó mình luôn tâm niệm phải xem những người bên dưới khán đài là những người thân mong muốn nghe mình chia sẻ, nhiều lần như vậy mình sẽ thêm tự tin.”
Để trở thành một người tự tin, bên cạnh việc luyện tập nói sao cho hay, cho duyên, chúng ta còn phải “thu phục” được lòng người. Bạn Lê Đức Toàn – sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế TP. HCM chia sẻ: “Mình nhớ nhất một nguyên tắc thứ 17 trong quyển sách Đắc nhân tâm, nó nhắc mình phải biết đặt chính mình vào vị trí của người khác khi nhìn nhận vấn đề, vì chúng ta không thể biết hết người khác đã trải qua những việc gì” khi đó chúng ta mới nói đúng, thuyết phục được người nghe. Cũng tại chương trình, các bạn đã cùng nhau chia sẻ, thực hành và rút 5 nguyên tắc nói chuyện trước đám đông, có thể tóm gọn trong 5 điều cơ bản sau đây: Phải biết mình nói gì; Thực hành, nhưng không cần quá nhiều; Hãy là chính mình; Khán giả là bạn bè; Chúng ta sẽ làm được!
Đến tham dự chương trình, được lắng nghe và chia sẻ những chia sẻ chân thành và rút ra những bài học bổ ích, bạn Nguyễn Duy Hải – sinh viên năm 2 trường Cao Đẳng Việt Mỹ chia sẻ: “Buổi sáng cuối tuần đến đây xem một bộ phim ý nghĩa, trò chuyện cùng các bạn, các anh chị mình thật sự rất vui.” Mỗi lần đến tham gia chương trình lại cảm nhận sâu sắc ý nghĩa việc Trung Nguyên kết nối, tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, góp phần hỗ trợ, xây dựng một lối sống mới cho cộng đồng, bạn Võ Sỹ Tứ chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình tham gia chương trình, và trở thành “fan” của những hoạt động cộng đồng, gắn kết các bạn trẻ như thế này của Trung Nguyên.”
Chương trình đã kết thúc nhưng các bạn trẻ vẫn còn nán lại trò chuyện, những câu chuyện cứ tiếp nối nhau giữa những tâm hồn đồng điệu. Rất nhiều bạn trẻ mong muốn Trung Nguyên Family hãy thành lập 1 câu lạc bộ để các bạn thường xuyên được gặp gỡ và trao đổi về khởi nghiệp, về sách và những kinh nghiệm trong cuộc sống để mỗi người đều có thể học hỏi, áp dụng vào chính bản thân mình. Có thể nói Trung Nguyên Family đã từng bước trở thành điểm đến yêu thích của những bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam, là điểm đến để các bạn giao lưu, học hỏi và thể hiện bản thân, từ đó xây dựng nên cộng đồng mới hướng đến Lối sống Tỉnh thức.
“Khi cùng nhau, không gì là không thể!”
1 Comment
Ở Hà Nội mình có gia đình Trung nguyên không ạ?