Năm 1997, thời điểm Internet ở giai đoạn chập chững, các trang mạng xã hội vẫn còn nằm trong vùng ý niệm sơ khai, lần đầu tiên từ nước Mỹ, vùng đất của gieo mầm và đón bắt xu hướng, một khái niệm được gọi tên chính thức: Thương hiệu cá nhân.

20 năm kế tiếp, công nghệ thông tin thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta nhìn nhận thế giới cũng như cách thức thế giới định dạng, gọi tên từng người chúng ta. Để tồn tại trong môi trường số, nơi cơ hội bộc lộ tính cách và khẳng định năng lực bản thân chia đều cho tất cả, bất kỳ ai cũng phải nắm được trong tay con thuyền – vũ khí – chìa khóa thiết thân: Thương hiệu cá nhân.

Ngày hôm nay, thương hiệu cá nhân đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của người trẻ. Những gì đang diễn ra chứng minh cho điều nhà báo Tom Peters nhấn mạnh từ hai thập niên trước: “Chúng ta đều là CEO công ty riêng của mình: Công ty Tôi. Để tồn tại trên thương trường, quan trọng nhất là phải trở thành người quảng bá cho thương hiệu mang tên Bạn.” Trong cả hai môi trường giao tiếp đời thực lẫn thế giới mạng, Tôi hay Bạn đã không còn tồn tại bằng các giá trị cũ như thế hệ trước, mà cần được nhận diện và phát triển thông qua một phương diện mới hơn: Thương hiệu cá nhân.

Nếu bạn tự chế ra một loại nước ngọt mới, đặt tên là “A” và tung ra thị trường. “A” chỉ mới là nhãn hiệu. Thường thì người ta sẽ chẳng thèm bận tâm đến nước ngọt của bạn. Nhưng Coca-Cola thì khác. Đây là một thương hiệu lớn. Sản phẩm của bạn không thể cạnh tranh được với Coca-Cola, dù cho chất lượng và giá cả của “A” bạn cam đoan tốt hơn nhiều lần. Khoảng cách chênh lệch đó chính là giá trị mà thương hiệu mang lại.

Nhãn hiệu không gì khác hơn tấm nhãn “A” dán lên hàng hóa. Còn thương hiệu chính là nhãn hiệu gắn thêm yếu tố tâm lí, thường là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, hoặc sự phân cấp từ khách hàng. Những yếu tố xúc cảm này giúp thương hiệu có được một chỗ đứng nhất định trong nhận thức của đám đông, tách biệt với các sản phẩm khác. Trong kinh doanh, đây là yếu tố sống còn.

Đã từng có thời kỳ thương hiệu được sử dụng như danh từ chung để chỉ sản phẩm. Coca-Cola hay Pepsi đồng nghĩa với nước ngọt. Nike và Adidas được hiểu là giày thể thao. Honda hay Suzuki nghĩa là xe máy… Nhưng giờ đây, ý niệm về thương hiệu tiến lên tầm mức mới: Thương hiệu có thể dành cho con người. Và không ít cá nhân là những thương hiệu đắt giá nhất.

Chỉ cần giữ nguyên các khái niệm về thương hiệu sản phẩm nhưng áp vào con người, ta có thương hiệu cá nhân. Trong quyển Be Your Own Brand (Trở thành thương hiệu của chính bạn) xuất bản năm 2011, hai nhà quảng cáo xuất sắc David McNally và Karl O. Speak từng định nghĩa khá dễ hiểu: Thương hiệu cá nhân là một nhận thức hoặc cảm xúc, được duy trì bởi những người khác, mô tả trải nghiệm tổng thể của họ về bạn.

Như vậy, thương hiệu cá nhân chính là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi “Bạn là ai?” trong mắt người khác. Giá trị thương hiệu càng tăng khi câu trả lời ấy càng được nhiều người dùng chung và biết đến. Nó không phải là một thứ hữu hình, không cố định như tên tuổi nhưng cũng không dễ thay đổi như bức ảnh đại diện. Nó là vùng tâm lí bạn tạo ra cho người khác, là sự bảo chứng cho một lĩnh vực, chuyên môn hay khả năng mà bạn đảm trách, với những giá trị, uy tín không thể tìm thấy ở bất kì ai khác.

Nhờ vào các thành tựu nghề nghiệp như vô địch Cúp châu Âu (Champions League), thương hiệu cá nhân giúp Cristiano Ronaldo dẫn đầu giá trị trong giới cầu thủ. Muốn sở hữu anh ta, câu lạc bộ phải chi ra món tiền lớn hơn nhiều lần so với một cầu thủ khác. Điều này tương tự với Công Vinh, cầu thủ giữ được độ sáng thương hiệu lâu bền nhất ở Việt Nam hơn 10 năm qua. Bên cạnh năng lực chuyên môn đã được xác nhận bằng bảng thành tích, những giá trị cộng thêm như tính cách, khả năng giao tiếp, hình ảnh gia đình giúp tăng giá trị thương hiệu của anh nhiều lần. Ngay cả khi không còn gắn vào địa hạt sân cỏ, thì thương hiệu Công Vinh vẫn giá trị và có thể phủ sóng rộng hơn đến những lĩnh vực nằm ngoài đường biên thể thao.

So sánh với các thương hiệu hàng hóa, thương hiệu Ronaldo hay Công Vinh hấp dẫn hơn hẳn bởi sự linh động. Họ là con người. Họ không nằm im, đợi đóng thùng rồi chuyển đi. Một thương hiệu sản phẩm này không thể gán vào các sản phẩm khác. Toyota là xe hơi, táo bạo đến mấy thì cũng không thể gắn nó vào dầu gội hay thực phẩm hàng ngày. Nhưng Ronaldo hay Công Vinh thì có thể. Họ không là những logo đóng khuôn vào sản phẩm duy nhất. Họ có thể tự lựa chọn sản phẩm mình muốn đính vào hoặc nhãn hàng trả tiền để sử dụng “logo” của họ. Ronaldo đã mở nhiều nhãn hàng mang tên mình, từ quần áo, giày dép cho đến đồ lót, và bán rất chạy. Công Vinh luôn là gương mặt đại diện được nhiều nhãn lớn trong và ngoài nước tin cậy khi muốn chinh phục khách hàng Việt Nam. Thương hiệu cá nhân là tấm màn lấp lánh bao trùm lên tất cả những gì liên quan đến cá nhân. Đây là tính chất khiến nó trở nên cực kì giá trị.

Với giới trẻ Việt Nam, không có ví dụ sống nào về xây dựng thương hiệu cá nhân một cách thành công “chuẩn” hơn là những hot boy, hot girl, những influencer đang “làm mưa làm gió” trên khắp các mạng xã hội. Salim hay Quỳnh Anh Shyn thành công trong việc xây dựng hình ảnh những urban girl – hot girl thành thị hiện đại, với gout thời trang thay đổi liên tục, lúc nào cũng vui vẻ và trẻ trung. Họ là cái tên đầu tiên mà các nhãn hàng nghĩ đến nếu muốn “đánh” vào phân khúc người trẻ yêu thích các hoạt động giải trí và có thói quen dành nhiều thời gian trên mạng xã hội để thư giãn. Một status chia sẻ về bộ đồ đang mặc hay loại son đang dùng, app chỉnh ảnh thế nào… của Quỳnh Anh Shyn – có thể tạo thành xu hướng ngay sau đó. Hay Salim hay đi spa ở đâu, vừa đổi kiểu tóc thế nào… cũng có thể trở thành chủ đề nóng để cư dân mạng truyền tai nhau. Thậm chí, sự ăn ý và thành công của bộ đôi này còn giúp họ có được những show thực tế, livestream cực kỳ ăn khách, nơi mà họ đơn giản chỉ cần… ngồi ăn, ngồi nói chuyện, trang điểm và chụp ảnh cho nhau, làm những trò ngộ nghĩnh đáng yêu… cũng thu hút đến cả nghìn người xem trong cùng một thời điểm.

Chi Pu cũng lại là một trường hợp xây dựng thương hiệu cá nhân thành công vượt bậc. Sau một thời gian nổi tiếng, cô nàng xây dựng hình ảnh một hot girl đa năng, ham học hỏi và không ngại thử những vai trò mới. Đóng phim, làm đạo diễn, nhà sản xuất, hát, nhảy,… Chi Pu xuất hiện trong mọi vai trò chỉ để tìm ra cái mình làm tốt nhất. Dù không phải xuất sắc toàn diện, nhưng Chi Pu để lại trong lòng người ta một hình ảnh rất đẹp. Và chỉ trong vòng hơn 2 năm, từ một hot girl, Chi Pu đã tự đưa mình vào danh sách sao hạng A ở showbiz Việt Nam mà không phải vướng vào bất cứ scandal nào.

Chưa có thời điểm nào, mỗi cá nhân có nhiều cách để cất lên tiếng nói chính mình như ngày nay. Chúng ta có các công cụ linh hoạt Internet, smartphone để kết nối. Chúng ta có mạng xã hội, YouTube, các kênh livestream… để lan truyền hình ảnh bản thân cùng các thông điệp lớn nhỏ. Nếu trước đây, phạm vi giao tiếp giới hạn bởi khoảng cách địa lý thì ngày nay, mỗi người chúng ta đều có một vòng tròn các mối quan hệ trên mạng.

Bên cạnh các tính năng giao tiếp, kết nối, chia sẻ thông tin như ý niệm ban đầu mà các mạng xã hội đề xuất với người sử dụng, chính tại nơi đây, chúng ta chịu ảnh hưởng cũng như có khả năng tác động đến vòng tròn của mình. Vòng tròn càng rộng, tác động cá nhân càng lớn. Gây ảnh hưởng xã hội không còn là những người có học vị, chức vụ hay uy tín chuyên môn mà giờ đây, tác động đáng kinh ngạc đến từ những người hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực. Đó có thể là một bác sĩ, nhà báo, phượt thủ, hay chỉ là một người có sở thích nấu ăn, cô gái biết nhiều chiêu thức làm đẹp, thậm chí cả những người thực ra chẳng có năng lực gì nổi trội nhưng lại thể hiện sự “bất tài vô dụng” một cách hấp dẫn trong mắt số đông… Xung quanh phải nhìn họ, đọc họ, xem họ, làm theo họ, vui vẻ, hứng thú hay tức giận cùng họ. Những cá nhân ấy, dù chủ ý hay “không chiến tự nhiên thành”, thì ít nhiều cũng đã thành công trong việc xác lập nên thương hiệu cho chính bản thân.

Sở hữu thương hiệu cá nhân đủ mạnh, chúng ta sẽ làm được nhiều việc, mở rộng phạm vi hoạt động cho bản thân, thậm chí đặt chân cả vào những lĩnh vực hoàn toàn không phải chuyên môn trước đấy. Thường thì, một khi đã phát hiện sức hút của thương hiệu bản thân, chúng ta đều biết cách sử dụng nó hiệu quả. Dễ thấy nhất là ở mặt kinh tế.

Thế giới mạng là môi trường cho phép ẩn danh, thật giả lẫn lộn. Tham gia vào đây, người ta được nhiều ích lợi, nhưng lại dễ đánh mất niềm tin. Chính vì thế, xuất hiện nhu cầu rất lớn về việc đặt niềm tin vào một ai đó. Quảng cáo đầu tư tiền tỉ dễ bị lướt qua, nhưng cũng sản phẩm ấy, chúng ta sẵn lòng nghe theo một ai đó có thật, gần gũi. Nếu còn thường xuyên tương tác với ta thì không gì bằng. Theo một thống kê của tổ chức Neilsen Consumer Survey, chỉ 33% người được hỏi tin vào TVC, slogan, thông điệp quảng cáo từ các nhãn hàng, trong khi đó, có đến 90% tin tưởng vào người mà họ biết. Nếu đó là một người nổi tiếng với uy tín cao, nằm trong vòng tròn các mối quan hệ mạng, niềm tin ấy sẽ chạm mức tuyệt đối.

Kênh quảng cáo giá trị nhất hiện nay không còn là truyền hình hay báo chí, mà là các kênh cá nhân, với giá trị được đo bằng các thông số tương tác tỉ mỉ như lượt like, share, comment… Đôi khi, làm nên thành công cho một nhãn hàng không phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm, mà là chất lượng của người giới thiệu. Chúng ta chính là “cá nhân chất lượng” ấy, nếu muốn. Cánh cửa dẫn vào công việc mới, hấp dẫn và đầy thách thức, mở ra ngay dưới những ngón tay đang lướt trên bàn phím của chúng ta.

Ở Việt Nam, kênh xây dựng thương hiệu cá nhân gần như duy nhất là Facebook, với một phần ba dân số – khoảng 35 triệu người – tham gia sử dụng. Kỳ thực, chiếm đại đa số người dùng Facebook vẫn xem đây là nơi chốn giao tiếp, giải trí đơn thuần hay thực dụng hơn là nơi mua bán. Nhưng, với ai nhìn ra tiềm năng lớn lao của mạng xã hội này trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, đầu tư cho nó, thì thành quả mà nó mang đến không nhỏ chút nào.

V., một bạn trẻ có khả năng sử dụng chữ nghĩa thu hút. Mỗi post đưa lên đều vài ngàn lượt like, vài trăm bình luận và chia sẻ. Bắt đầu “chơi Face” như thú vui xả stress, thể hiện cá tính và góc nhìn riêng, mọi thứ thoắt thay đổi khi một ngày, nhãn hàng nọ tìm đến và ra giá để quảng cáo trên trang của V. Đó là lúc anh biết thương hiệu cá nhân có thể kiếm ra tiền. Anh bỏ ra bốn năm xây dựng trang, ngủ bốn tiếng mỗi ngày, luôn bám chặt máy tính để cập nhật tin tức vì chỉ cần bỏ lỡ một ngày trang sẽ bị Facebook đánh xuống hạng ngay. V. cho biết, với mỗi post quảng cáo hiện tại, anh có thể thu về từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng, tùy lượt tương tác.

V. là hình mẫu trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân khi tận dụng triệt để ưu thế bản thân, thức thời chuyển đổi hoạt động trên mạng xã hội từ thú vui ngẫu nhiên sang sự nghiệp chính, trong khi vẫn duy trì lĩnh vực hoạt động riêng của anh ngoài đời.

Tầm ảnh hưởng thương hiệu càng rộng hơn, nếu cá nhân sẵn có nền tảng tên tuổi trong các lĩnh vực được ưa thích như thể thao, biểu diễn, ẩm thực… Tuy nhiên, ngày nay, không ít người trẻ vô danh vẫn có thể sử dụng thể thao, nghệ thuật biểu diễn, tài nấu nướng hay vô số kỹ năng khác để xây dựng thương hiệu và kiếm được tiền từ nó. Thậm chí hứng thú họ tạo nên cho công chúng còn nhiều hơn cả những nhân vật chuyên nghiệp. Thử bật kênh YouTube của một nghệ sĩ hài nghiệp dư, một họa sĩ vẽ tranh tường, một cô gái không có giọng nhưng thích hát nhép, nhóm bạn biểu diễn thể thao đường phố hay vị đầu bếp tại gia có hàng triệu lượt xem. Phải chăng, tính cách thú vị và góc nhìn khác biệt của họ, câu chuyện họ kể với chúng ta thông qua những gì họ làm, những giá trị mà họ theo đuổi mới thực sự làm chúng ta nhớ về những con người ấy, chứ không phải các tên tuổi được thừa nhận nhưng cũng đã trơ lì trong cảm nhận của đám đông?

Thương hiệu cá nhân ngày càng giống tấm thẻ VIP quyền lực. Tấm thẻ này không nhất thiết trao cho người có đặc quyền, mà được trao cho bất kì ai, nếu đủ sức hút. Chúng ta không cần là nhân vật nổi tiếng hay giỏi giang ở nghề nghiệp nào. Miễn nhiều người muốn theo dõi ta, tiếng nói của ta sẽ có trọng lượng.

Nếu có gì để học hỏi và suy ngẫm, thì đó là những người không thuộc nhóm có sẵn danh tiếng, nhưng nắm vững cách thức đời sống mạng vận hành cũng như tâm lý đám đông để tạo nên sức hút, tự mình xây dựng thương hiệu bản thân, tiến lên những nấc bậc cao hơn trở thành người truyền cảm hứng, người nắm giữ khả năng chi phối, hay cao hơn nữa, các KOL.

T., cựu phóng viên ảnh 30 tuổi là minh chứng sống động. Sau thời gian trải nghiệm các công việc từ tạp chí đến truyền hình, hiện anh nghỉ hẳn công việc tòa soạn để tập trung vào kênh cá nhân. Mỗi khi có hoạt động nghệ thuật hay sự kiện liên quan đến nhóm đối tượng trí thức trẻ thành thị, nhà tổ chức luôn mong muốn được trang của anh đề cập. Khi nhiều đồng nghiệp xem việc đăng tin ảnh lên trang cá nhân là “linh tinh cho vui” thì T. xem đó là sự nghiệp nghiêm túc. Bởi thông qua nó, anh không chỉ sống đủ mà còn nhận nhiều cơ hội tận hưởng cuộc sống. Thương hiệu mang tên anh chính là tấm vé đưa anh lên máy bay, thực hiện các chuyến du hành, truyền cảm hứng, lôi cuốn đám đông dõi theo, ao ước được như anh.

Nhờ vào việc xây dựng thương hiệu “Nàng thơ”, với những chia sẻ, review về mỹ phẩm, nước hoa vô cùng lãng mạn và chi tiết mà Nicky Khánh Ngọc đã tự đưa tên tuổi của mình ra ngoài cái chức danh “Beauty Editor của Elle”, trở thành một trong những beauty blogger đầu tiên và nổi tiếng nhất của Việt Nam. Hay như Lâm Thuý Nhàn, chỉ đơn giản là chia sẻ về cuộc sống thời thượng với hằng hà sa số đồ hiệu của mình lên mạng xã hội thôi – cũng mang đến cho cô thương hiệu là một người phụ nữ thời thượng, sang chảnh, một “Uptown girl” đúng nghĩa. Thương hiệu cá nhân của hai người phụ nữ này đặc trưng và mạnh mẽ đến mức, họ không cần tốn quá nhiều thời gian tô vẽ trên mạng xã hội, cân nhắc xem giờ nào post cái gì trên Instagram,… mà đơn giản chỉ là sống cuộc sống của mình.

Với con mắt hâm mộ của cư dân mạng, các nhãn hàng cao cấp bậc nhất tìm đến họ như một lẽ dĩ nhiên, không chỉ là gửi tặng những món quà, những lời mời ra mắt ở khách sạn 5 sao, những chuyến đi nước ngoài dự tiệc,… mà còn là để tìm một sự kiểm chứng cho các sản phẩm của họ – thứ sẽ khiến họ bán được hàng cho các fan hâm mộ đang ngày ngày vào Facebook của Nicky hay của Lâm Thuý Nhàn để tìm kiếm một review mới, một sản phẩm thú vị cao cấp mới.

Nếu chưa sở hữu được một thương hiệu cá nhân đủ mạnh, thì một thương hiệu có ý thức chăm chút vẫn mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi thế. Trong xét duyệt học bổng hay visa, tài khoản trên mạng xã hội là một tham chiếu quan trọng. Có profile tốt trên Facebook hoặc Google, khả năng chúng ta lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng sẽ cao hơn. Hầu hết các công ty lớn hiện nay đều lọc ứng viên bằng cách quan sát các hoạt động trên mạng. Giờ đây, thương hiệu có thể giúp chúng ta tiến thân hơn cả tài năng. Nếu thực hiện các hoạt động mang tính xã hội, sở hữu thương hiệu cá nhân mạnh, chúng ta có khả năng kêu gọi nhân lực và tài chính, dẫn dắt một số lượng lớn người theo dõi tham gia vào phong trào, dự án của mình.

Việc gây dựng thương hiệu cá nhân cũng giống như chúng ta đang tham gia một vở kịch. Đặc biệt ở chỗ ta vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính. Nơi chúng ta thể hiện bản thân như Facebook hay Twitter hay Instagram, chính là sân khấu “trước tấm màn nhung”. Còn nơi chúng ta hành xử khi ở không gian riêng tư, chính là “phía sau tấm màn”. Cân bằng và tỉnh táo phân biệt đâu là trước, đâu là sau, mới là chìa khóa thành công lâu bền. Tuy nhiên, trong tác động quá lớn của thế giới mạng, không phải ai cũng làm được điều này.

Vấn nạn khó nhận diện nhất, là khoảng cách giữa con người thật và con người “thương hiệu” của ta. Nhìn từ bản chất, xây dựng thương hiệu chính là công việc quảng cáo. Ta cố gắng đưa điểm mạnh, điểm thu hút của bản thân ra trước công chúng, tìm cách giấu đi mặt yếu kém hay xấu xí. Dần dần, ta tập trung tô hồng hình ảnh trên mạng, bỏ quên việc trui rèn khả năng thực thụ. Ta rời xa quy tắc của bản thân, nói dối về những gì mình có, bẻ cong tính cách. Những điều không thích hoặc biết rõ là sai nhưng ta vẫn nói chỉ vì đó là điều số đông mong muốn được nghe, hoặc tệ hơn, ta làm điều đó vì khoản tiền được trả. Vô hình chung, ta đã tự biến mình trở thành sản phẩm ngụy tạo, một thương hiệu bấp bênh có nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào.

Tạo dựng thương hiệu đã khó, duy trì và sử dụng nó đúng đắn khó gấp nhiều lần. Với một cá nhân danh tiếng vượt quá năng lực, có nguy cơ họ sẽ gây hại cho công ty hay tổ chức tham gia. Đơn giản vì họ đảm nhận một chức vụ không đủ sức cáng đáng. Trường hợp phổ biến khác là bất cẩn khi sử dụng thương hiệu cá nhân. Quá tự tin, hành động khinh suất không chỉ phá hoại bản thân thương hiệu, mà cả những gì liên quan đến nó.

Một cây bút nữ từng rất nổi 8 năm trước. Trong một vụ việc, cô phát ngôn thiếu kềm chế trên trang cá nhân. Sự cố tức khắc lan rộng. Cô xóa post và đóng trang. Nhưng trong Google đã ghi nhận “tiếng xấu” từ scandal này. Cô đã gặp rất nhiều khó khăn sau đó, cả trong công việc lẫn đời sống riêng. Tai nạn có thể đến từ bên ngoài, nhưng tai nạn khó cứu chữa nhất, luôn đến từ chính ta. Chưa bao giờ các tình thế “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, “hái củi ba năm đốt một giờ” trở nên dễ dàng và chóng vánh như trong môi trường mạng ngày nay.

Và gần đây nhất, hẳn bạn còn nhớ câu chuyện của Sunht và Phở khi sang Malaysia tham dự lễ trao giải Influence Asia? Chỉ vì một phút nhỡ miệng Insta Stories nói về Jessica bằng từ: “Chảnh quá!”, Sunht và Phở đã phải hứng chịu cơn giận dữ của cộng đồng fan khổng lồ của Jessica ở Việt Nam. Cơn giận dữ bùng phát khủng khiếp đến nỗi, nó lan sang cả những người liên quan như Kelbin Lei, Quỳnh Anh Shyn, Salim hay Châu Bùi. Thậm chí, ngay cả khi Sunht đăng đàn xin lỗi, cô nàng vẫn không nhận được sự tha thứ của các fan này. Cuối cùng, để mọi chuyện lắng xuống, Sunht buộc phải khoá Instagram và Facebook trong một thời gian khá dài. Đây chính là bài học nhãn tiền nhất cho những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người tìm kiếm cơ hội từ sự quan tâm của cư dân mạng tới mình.

Khao khát được nhận diện hay mở rộng vòng ảnh hưởng thôi thúc ta lao vào xây dựng thương hiệu. Những nhân vật sáng mở mắt ra bỗng dưng nổi tiếng – chỉ cần một vài hành động kỳ khôi hay mấy trò đùa cợt hút cả triệu lượt xem và bàn tán – là “động lực” để nhiều bạn trẻ liều mình. Thế giới mạng rộng lớn, chấp nhận và có chỗ cho tất cả. Nhưng đừng quên, lúc ta ngỡ “được” thì thực ra là đang “mất”, thương hiệu tìm được bằng cách thức dễ dãi có thể đưa ta lên đỉnh cao thì cũng mau chóng ném ta xuống vực sâu.

Thử đặt tình huống giả định: Chúng ta bị đưa ra khỏi thời đại kĩ thuật số và các phương tiện liên lạc hiện đại. Ta nhận ra, ngay cả khi đó, ta vẫn ở trong hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Khi ta sinh ra, được bố mẹ đặt tên, ta có một nhãn hiệu. Sống, tích lũy kĩ năng kinh nghiệm, nỗ lực để được công nhận, và trở thành một ai đó giữa những người khác là gì, nếu không phải là quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân?

 

Vấn đề đặt ra ở đây, là cách chúng ta ứng xử với thương hiệu cá nhân trong thời đại kỹ thuật số. Với cả mặt tốt lẫn mặt xấu, ta nên cố gắng để đạt được danh tiếng, hay tránh xa các xảo thuật mạng? Điều đó vừa phụ thuộc vừa không phụ thuộc vào ta. Có người rất muốn đạt danh tiếng, nhưng tố chất không đủ. Có người dị ứng công khai cuộc sống riêng. Có người có đủ mọi thứ, lại thiếu duyên may để được đón nhận… Vì vậy, để trụ vững cả khi thành công hay bất thành trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, chúng ta phải xác định mình có gì, và thật sự muốn gì. Được nhận diện, sống được bằng thương hiệu là điều tuyệt vời. Nhưng, ngay cả khi không như thế, ta vẫn có thể sống hạnh phúc, với những giá trị riêng mà ta tin tưởng và bảo vệ.

Mọi thứ trên đời đều có giá. Trở thành một thương hiệu, nghĩa là mọi thứ ta làm, mọi điều ta chia sẻ, mọi hành động của ta online hay offline đều phải giữ gìn hình ảnh cho thương hiệu đó. Thực tế cho thấy, sau một thời gian sống trên đỉnh danh tiếng, nhiều bạn trẻ nhận ra không còn biết mình là ai. Cái tôi cá nhân tan biến trong dòng chảy của những lượt like, comment, share mà họ bám víu từng giờ từng phút. Sự cô đơn của người trẻ ngày nay không còn là việc chỉ có một mình, mà là ở chỗ họ đã thất lạc bản thân.

Không phải ngẫu nhiên mà thế kỉ 21 được gọi là Thế kỉ của cá nhân và thế hệ lớn lên trong thời đại này được gọi là Thế hệ Tôi – Me generation. Quả là một nghịch lý tuyệt vời khi có nhiều kỹ năng, thủ pháp trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Nhưng để duy trì và mang lại giá trị thực sự cho thương hiệu, lại là đòi hỏi căn bản: Tôi cần phải là chính Tôi.

Sống chân thật, phải thật là mình, luôn là thông điệp mang giá trị bất biến ở bất kỳ thời đại nào. Đó cũng chính là cách duy trì thương hiệu cá nhân bền vững nhất.

Bài viết: Nam Lâm – Minh họa: PSD – Thiết kế:  Nhu, Quỳnh – Theo Trí Thức Trẻ

Leave A Reply