Tính hiếu học không phải là một đức tính cố hữu của người Việt, nhưng kể từ một thời đại nào đó nó đã trở thành một truyền thống, vì nó được toàn xã hội đồng nhất với những niềm hy vọng tốt đẹp nhất của con người. Tuy nhiên, nó đang chịu đựng sức xói mòn rất mạnh của cuộc sống thực tế, khiến cho nó mai một đi một cách chắc chắn và nhanh chóng, đến mức nếu bây giờ ai còn nói đến tính hiếu học của người Việt đều không khỏi cảm thấy ngượng nghịu ít nhiều: không biết có thật là “người Việt có truyền thống hiếu học” không, và nếu có, thì bây giờ nó có còn tồn tại nữa hay không?”
Người Việt Nam ta thường rất tự hào về tính hiếu học hình như đã thành một truyền thống lâu đời của dân tộc. Người nước ngoài, nhất là ở các nước không phải là Nga hay Đông Âu, cũng rất sẵn sàng thừa nhận đức tính này của dân ta. Những giải thưởng quốc tế mà học sinh ta giành được có thể làm cơ sở cho điều này…Vậy cái đức tính hiếu học ấy vì đâu mà có? Và nếu có, cái truyền thống lâu đời ấy nảy sinh như thế nào, và ngày nay có còn được bảo tồn và tiếp nối không?
“Hiếu học” là một khái niệm có thể coi như làm thành một bộ phận, một chi tiết, một biểu hiện của sự khát khao tri thức rất tự nhiên của con người. Các động vật khác không có sự khát khao ấy. Việc vươn tới sự tự cải thiện của chúng nhằm thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh sống là một bản năng, không phải một ý chí. Con người có ý thức về sự tự cải thiện cũng như sự cải thiện những điều kiện sống của nó. Muốn thế nó phải không ngừng tìm biết, học hỏi để hiểu rõ thêm cái thế giới xung quanh nó, rồi tới cả bản thân nó nữa. Và sau mấy triệu năm tiến hoá, khi loài người đã bắt đầu tạo ra những thiết chế, những tổ chức để truyền đạt và phát triển những tri thức đã tích lũy được, thì cái khái niệm “học” mới ra đời, cùng với chữ viết (văn tự) và những ông đồ dạy chữ. Thoạt tiên, học chính là học văn tự. Tôi không biết xưa kia tiếng Việt cổ đại (hay tiếng Việt-Mường) có từ nào để biểu thị khái niệm “học” không. Chứ ngày nay ta chỉ biết dùng từ học vốn là từ của người Trung Quốc. Tuy ta theo sách thánh hiền (của Trung Quốc) mà nói Tiên học lễ nhi hậu học văn, nhưng sự “học” trước tiên chính là học văn tự. Có văn tự mới có sách. Có sách mới ghi lại được những lời dạy của các bậc thầy thành những tri thức được cố định hoá trong những văn bản mà người học phải thuộc lòng. Hình như mối lo sợ lớn nhất của người xưa là mất văn bản (thất bản). Vì nếu mất nó thì những tri thức cơ bản sẽ thất truyền, và sự nhất trí của tri thức cần thiết cho một xã hội có tổ chức sẽ không còn nữa.
Cho nên học trước hết là phải thuộc. Thuộc có nghĩa là “nấu chín”, tức là được tiêu hoá thành của mình (nhân thể cũng xin nhận xét là ngày nay nhiều thầy giáo rất coi nhẹ việc học thuộc lòng, lẫn lộn nó với lối “học vẹt”). Tôi còn nhớ hồi nhỏ học tiếng Anh với một ông thầy tu người Anh, suốt năm năm học ông bắt chúng tôi học thuộc hơn 100 bài dân ca Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (dĩ nhiên là phải thuộc lòng cả lời lẫn nhạc), và chính nhờ đó mà đến ngày nay chúng tôi còn nhớ được những gì chúng tôi học được về thứ tiếng không dễ học này. Có thuộc lòng mới nhớ “như in” được cách hành văn, cách dùng từ của những bài mẫu mực, để khi nói, khi viết bật ngay ra được một cách hầu như bản năng, hồn nhiên, như của chính mình. Học thuộc lòng không phải không cần sáng dạ. Nó chính là cái thước đo chính xác nhất của sự sáng dạ. Người không sáng dạ phải bỏ ra một công sức gấp đôi, nhiều khi gấp mười, một người sáng dạ mới thuộc được. Và công sức bỏ ra trong nhiều năm để học thuộc lòng sẽ luyện cho người không sáng dạ trở thành người sáng dạ.
Tôi không lý tưởng hoá cách dạy của các ông đồ ngày xưa. Tôi cũng không ca ngợi chế độ thi cử của các triều đại trước. Đó là những sự kiện không lấy gì làm sáng sủa, sản phẩm của một nền giáo dục cổ hủ, lạc hậu. Nhưng chính nền giáo dục ấy đã tôi luyện nên cái đức tính hiếu học của ông cha ta.
Ngày xưa, ông cha ta vốn không phải vì hiếu học mà học. Họ vì ý chí làm quan mà học. Họ không còn cách nào khác để thoát khỏi cái thân phận tủi cực của kẻ nghèo hèn. Những bà mẹ, những người vợ nhịn đói nhịn khát để nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, không đỗ trạng nguyên thì cũng đỗ ông nghè, ông cử ông tú. Ông trạng, ông nghè mới được “vinh quy bái tổ”, nhưng một ông tú ít ra cũng có thể vênh mặt lên khi nghe vợ nói:
Không hay sao lại đỗ ngay tú tài?
Và được cả làng trọng vọng. Một ông đồ đi thi nhiều phen không đỗ, đành từ bỏ tham vọng khoa bảng ở nhà gõ đầu trẻ, cũng vẫn được dân làng trọng vọng với tư cách một người thầy của con cái họ, niềm hy vọng cho tương lai của gia đình họ. Và họ cũng biết phân biệt tài năng với vận may: Học tài thi phận. Nhưng tài năng và ý chí vẫn là những cơ sở vững chắc của một tương lai đáng cho người dân mơ ước, và vẫn đáng được trọng vọng vì đó là những giá trị đích thực của con người, vì con người, khác với con vật, vốn khát khao tri thức, mà tri thức thì lại đã từ lâu được loài người coi là giá trị cao nhất, vì đó là nhân tố quan trọng nhất có thể đưa họ đến những thành quả tốt đẹp trong cuộc đấu tranh gian khổ với thiên nhiên để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.
Như vậy, tính hiếu học không phải là một đức tính cố hữu của người Việt, nhưng kể từ một thời đại nào đó nó, do chính những yêu cầu có thể là rất ích kỷ của giai cấp thống trị, nó đã trở thành một truyền thống, vì nó được toàn xã hội đồng nhất với những niềm hy vọng tốt đẹp nhất của con người.
Ngay trong thời Pháp thuộc, cái truyền thống ấy vẫn được giữ vững, bất chấp những ý đồ nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Các nhà giáo của ta đều biết lợi dụng những yêu cầu thiển cận của chế độ thuộc địa và, một mặt dựa trên truyền thống hiếu học của dân tộc, một mặt đề cao những yếu tố nhân đạo và dân chủ của nền văn hoá Pháp, ra sức mở mang dân trí đến mức tối đa theo hướng hiện đại hoá và dân chủ hoá.
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, khi quân dân ta đã giải phóng thủ đô Hà Nội và những trung tâm văn hoá khác của đất nước, các trường đại học khoa học bắt đầu hoạt động chính thức với một quy mô chưa từng có dưới thời Pháp thuộc. Chính đây là lúc sự nghiệp giáo dục đặt ra những vấn đề rất cơ bản về đường lối cũng như về nội dung và chất lượng của chương trình giảng dạy. Một trong những vấn đề cơ bản được đặt ra là tính giai cấp trong nền giáo dục của chế độ mới.
Đành rằng mọi công dân tương lai đều có quyền lợi và bổn phận ngang nhau trong giáo dục. Nhưng các tầng lớp lao động đã thiệt thòi quá nhiều trong dĩ vãng, (dĩ nhiên là do điều kiện kinh tế – quá nghèo để cho con đi học – chứ không phải do thành phần giai cấp) nên nhà nước không thể không có một chính sách ưu đãi để đền bù cho họ những nỗi thiệt thòi mà họ và con cái họ đã phải chịu trong quá khứ. Đó là một chủ trương hết sức công bằng mà chắc hẳn không có một ai phản đối. Nhưng ở đây ta thấy xuất hiện một sự ngộ nhận hết sức trầm trọng.
Đáng lẽ sự ưu tiên ưu đãi này phải nhằm dồn sức bồi dưỡng cho con em công nông học thật giỏi, giỏi hơn con em các tầng lớp “trên” hay ít nhất cũng giỏi bằng, thì có nhiều người lại quan niệm rằng phải tìm cách tạo ra một sự bất bình đẳng trong cách đánh giá kết quả học tập của học sinh và sinh viên (HS & SV) đặc biệt là qua các kỳ thi. HS & SV công nông và con em cán bộ trung cao cấp, có công với chế độ, hay có quan hệ thân thiết với các cán bộ trung cao cấp thì được cộng thêm điểm trong học bạ và trong kết quả thi. Do đó có một số HS & SV thi đỗ mặc dầu không đạt yêu cầu tối thiểu và cũng do đó có một số HS & SV giỏi hơn bị loại.
Như vậy, nội dung của sự ngộ nhận này là ở cách quan niệm mục đích của giáo dục: theo quan niệm này, được học không phải là được trang bị đủ hiểu biết để ra phục vụ đất nước, mà là để có một cái bằng – được quan niệm như một phẩm hàm đem lại một địa vị xã hội nhất định cho người học, một phần xôi thịt thưởng cho những kẻ may mắn được xếp vào một đẳng cấp nhất định, bất chấp năng lực ra sao. Năng lực phục vụ được gọi là “chuyên”, còn thành phần giai cấp được coi là một tiêu chuẩn của “đỏ”. Trên thực tế, “đỏ” là chính, “chuyên” là phụ, mặc dầu trên lý thuyết hai mặt được coi là cần thiết như nhau.
Với quan niệm đó, những HS & SV được “ưu tiên” chưa đủ tri thức nghề nghiệp được phát bằng tốt nghiệp và được đưa vào biên chế hay được chọn gửi đi học nước ngoài – hơn nữa, vì những ưu thế về lý lịch họ rất chóng được vào biên chế, được đề bạt và chẳng bao lâu đã trở thành cán bộ lãnh đạo. Những HS & SV “ưu tiên” khi du học được gửi gắm rất cẩn thận và nhờ mối tình hữu nghị anh em giữa các nước xã hội chủ nghĩa, họ thừa sức đỗ bằng phó tiến sỹ hay tiến sỹ, kể cả những người không hề viết một dòng nào trong bản luận văn mà họ đưa ra bảo vệ . Với những hoạt động thương nghiệp mà họ tiến hành xung quanh căn cứ địa “Đôm 5” ở phố Ulyanova (đó là nhà trọ tập thể của nghiên cứu sinh nước ngoài kiêm kho chứa hàng của họ) họ thừa sức bỏ ra mấy ngàn rúp để thuê những bạn khác viết luận văn thay họ. Vả lại, ở các nước Đông Âu không thiếu gì những người chuyên viết hộ luận văn phó tiến sĩ. Tôi có quen hai vợ chồng tiến sĩ người Do Thái Nga sống bằng nghề viết thuê luận văn, chủ yếu là cho các nghiên cứu sinh châu Phi và Việt Nam.
Khi gửi các du học sinh này đi, các cán bộ hữu trách thừa biết là những người ấy chính nhờ ô dù của họ, chứ không phải nhờ học lực, mà thành nghiên cứu sinh, nhưng khi điểm lại các cán bộ của cơ quan mình, những người ấy lại thấy quanh mình toàn những nhà bác học tài năng và lấy làm tự hào về chiến lược trọng dụng nhân tài của mình. Tuy vậy, cũng có nhiều người tỉnh táo hơn biết rõ chân giá trị của các tân tiến sĩ nhưng lại sử dụng đội ngũ này làm một ê-kíp cúc cung tận tụy với cá nhân mình vì lòng biết ơn đối với ô dù nhiều hơn là vì tinh thần kỷ luật đối với cấp lãnh đạo.
Đã có một thời nhiều giáo sư phản đối kiểu ưu đãi bất công này, vốn rất tai hại cho chính các sinh viên công nông. Họ đòi công bố điểm đích thực của các thí sinh và tình nguyện phụ đạo thêm một hai năm cho các sinh viên công nông chưa đạt trình độ cần thiết trước khi phát bằng tốt nghiệp cho họ. Các giáo sư này, trong đó có cả giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, không thể chấp nhận tính man trá của việc chính thức công nhận những sinh viên này đã đủ sức phục vụ khi họ chỉ có thể làm hỏng các công trình, làm chết các bệnh nhân, làm hại những học trò của họ. Nhưng mới thực hiện ý định được vài lần họ đã bị trấn áp ngay vì việc công bố điểm này và chủ trương đánh giá khách quan kết quả học tập của HS & SV được coi là một “mũi dao găm đâm sau lưng giai cấp công nông”.
Đó mới chỉ là một bước đầu của quá trình xuống cấp nhanh chóng của công tác giáo dục và đào tạo. Những bước tiếp theo không kém phần ngoạn mục, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội, nhất là văn học và ngôn ngữ, được coi như những ngành hoàn toàn không cần đến “chuyên”, chỉ cần “đỏ”, cần lập trường “tư tưởng”, mà người đã có tư tương tốt thì dù không học giờ nào cũng có thể làm được.
Một nền giáo dục kém cỏi sẽ không tác hại bao nhiêu đến lòng hiếu học nếu người có học và học sinh giỏi được xã hội quý trọng hay ít nhất cũng có được một tương lai sáng sủa khi tốt nghiệp. Đàng này cái tương lai chắc chắn nhất của người tốt nghiệp đại học là . . . thất nghiệp (trừ phi có những mối quan hệ xã hội đặc biệt). May ra, chỉ có sinh viện khoa Anh là không phải lo đến cái triển vọng này, vì có thế xin việc khá dễ ở các hãng nước ngoài.
Ngay như ở cái thời mà chính sách ngu dân của thực dân Pháp còn ngự trị, tương lai của người đi học còn sáng sủa hơn nhiều: dù chỉ có mảnh bằng “đíp-lôm”, người tốt nghiệp trung học sơ cấp cũng đã có một địa vị vững vàng trong xã hội và một đồng lương đủ nuôi vợ con và báo hiếu cha mẹ. Trong khi đó, một “cử nhân” ngày nay chưa chắc đã kiếm nổi việc làm nếu không chuyển sang một nghề khác hẳn với cái nghề đã học, như nghề gia sư, nghề xích lô, nghề người mẫu hay nghề vũ nữ.
Tuy thế, cái truyền thống hiếu học xưa kia ngày nay vẫn còn. Nó còn sống sót trong một số người thuộc những gia đình có nền nếp: đó là những gia đình đã có vài đời làm nhà giáo, làm thầy thuốc, làm kỹ sư hay là nghệ sĩ, nghĩa là làm nghề lao động trí óc, mà vẫn còn tin ở giá trị của học vấn mặc dầu những sự thật được chứng kiến hàng ngày hoàn toàn phủ định nó. Nó cũng được tiếp tục trong một số người không có truyền thống gia đình trí thức nhưng nhờ sự giáo dục của nhà trường, của sách vở và nhờ ảnh hưởng của những người thầy ưu tú đối với những người học trò ưu tú nhất của họ. Tuy nhiên, nó đang chịu đựng sức xói mòn rất mạnh của cuộc sống thực tế, khiến cho nó mai một đi một cách chắc chắn và nhanh chóng, đến mức nếu bây giờ ai còn nói đến tính hiếu học của người Việt đều không khỏi cảm thấy ngượng nghịu ít nhiều: không biết có thật là “người Việt có truyền thống hiếu học” không, và nếu có, thì bây giờ nó có còn tồn tại nữa hay không?
…Trước hết, xin nói đến các giáo sư đại học, trong đó có nhiều người tham gia với tính cách người biên soạn, chủ biên hay cố vấn về cơ sở lý thuyết, vào việc soạn sách giáo khoa các cấp, nhất là sách giáo khoa tiếng Việt cấp trung học. Những người này chính là tấm gương cho các sinh viên khoa ngữ văn(về sau sẽ là tác giả sách giáo khoa trung học, giáo viên cấp III hay giảng viên đại học). Những năm đầu, phần lớn các giáo sư này (vốn chưa qua một năm đại học ngôn ngữ học nào hết) còn chịu khó đọc vài chục trang sách dẫn luận ngôn ngữ học bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, hoặc nhờ bạn bè dịch cho, rồi những năm sau, khi đã có giáo án hay đã soạn sách giáo khoa, thì tuyệt nhiên không đọc thêm gì nữa, và nhất là sau khi đã có học hàm học vị, lại càng không thấy cần đọc thêm gì nữa, trừ khi nghe đồn những lý thuyết mới, tưởng là có thể quên tất cả các tri thức cũ, chỉ lo nhờ hay thuê ai dịch cho vài chục câu “tủ” trong những cuốn sách tình cờ kiếm được, và bắt đầu viết hàng pho sách dày pha loãng mấy chục câu ấy ra thành chương thành hồi, cố viết thật nhiều trang để tăng thêm nhuận bút. Trong khi đó, hầu hết đều quên hoàn toàn những tri thức ABC mà sinh viên năm thứ nhất phải học từ những giờ đầu.
Tôi có tham gia một nhóm chuyên đọc sách giáo khoa và sách nghiên cứu ngôn ngữ học với nhiệm vụ nhặt ra những lỗi của tác giả (hầu hết là Giáo sư ngôn ngữ học) mà lẽ ra sinh viên năm thứ nhất đã học ngôn ngữ học dẫn luận trong ba tháng đầu năm không thể mắc phải. Trong các sách giáo khoa đại học, chúng tôi đã tìm thấy hơn 2.000 câu chứa đựng những lỗi như thế, và đối với khoảng 72% sách đại học có thể kết luận một cách hoàn toàn có căn cứ rằng có những tác giả chưa bao giờ học ngôn ngữ học hết hoặc đã quên hoàn toàn những tri thức đã học từ năm thứ nhất !
Tôi đã có dịp nói điều này nhiều lần với các giáo sư dạy ngành khác. Phản ứng của họ làm tôi rất ngạc nhiên: té ra tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn đều như vậy cả, và ai cũng tưởng chỉ riêng ngành mình biết mới tồi tệ như thế mà thôi.
Về cuốn sách dẫn luận nói trên tôi đã lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện KHXH tại Tp. HCM gửi cho ông giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (“đồng kính gửi” ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) một bức thư dài kèm theo hơn 200 trang tư liệu, yêu cầu hai cơ quan này cho thanh tra ngay để kết luận về tác hại khổng lồ của cuốn sách và có biện pháp thu hồi nó lại. Thư và tài liệu gửi bảo đảm cho hai vị hữu trách trên từ năm 1997 mà nay vẫn chưa có hồi âm. kể cả công văn báo đã nhận thư cũng không có. Vậy thử hỏi còn có ai quan tâm đến giáo dục và khoa học nữa không?
…Có lần, tôi, với tư cách người phản biện, cho một nghiên cứu sinh đi thi tiến sĩ 1 điểm trên 10 sau khi chứng minh một cách tỉ mỉ rằng anh ta hoàn toàn không hiểu tiếng Việt và thua xa một học sinh tiểu học. Chủ tịch hội đồng (là một trong ba vị giám khảo do Bộ cử vào để cứu anh nghiên cứu sinh nọ khi tôi phản đối việc cho anh ta chính thức bảo vệ luận văn ở cấp nhà nước) kết luận rằng tôi hoàn toàn đúng trong từng chi tiết một. Nhưng vì biết tôi cho điểm thấp và muốn cứu anh thí sinh “dỏm” đó bằng bất cứ giá nào, hội đồng liền cho anh ta toàn điểm 8 và 9 cho nên rốt cục anh ta cũng đủ điểm để đỗ tiến sĩ, để tiếp tục dạy cho những sinh viên giỏi hơn mình rất nhiều. Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại phải cứu cho bằng được cái anh nghiên cứu sinh “dỏm” ấy mà không hề nghĩ đến việc cứu hàng chục thế hệ sinh viên vô tội sẽ phải nuốt những bài giảng sai lạc của anh ta.
Sau buổi “bảo vệ luận văn” kỳ quặc ấy, nhiều người chê cười tôi là bất công mà không biết là mình bất công, vì nếu làm như tôi thì phải sổ toẹt hàng trăm bằng tiến sĩ, vì anh này còn viết được ba trăm trang chuyện tầm bậy, chứ hàng trăm anh khác không hề viết lấy một chữ, chỉ bỏ ra vài chục triệu thuê viết (do toàn thể hội đồng chấm thi bảo đảm), chỉ cần đọc bản tóm tắt, không cần xem lại toàn văn. Người ta còn nói thêm rằng ngay bằng tiến sĩ y khoa hay xây dựng mà cũng còn làm thế được, chứ ngôn ngữ học. Văn học, sử học hay ngay cả toán học nữa thì tiến sĩ có làm chết ai đâu mà sợ? Cái đáng sợ hơn cả là ngày nay những chuyện quái gở như thế đã được mọi người coi là bình thường, còn những người chống lại những hiện tượng tiêu cực tương tự lại bị coi là “hâm”, là “gàn dở”.
…Đài vô tuyến truyền hình có thể coi là nơi tập trung nhiều nhân tài nhất, gồm có đủ các ngành văn hoá, khoa học và nghệ thuật, đủ các ngoại ngữ thông dụng trên thế giới. Thế nhưng, hàng ngày, ta được nghe những lỗi tày trời về đủ các ngành văn hoá , những lỗi về cách dịch và cách phát âm từ đủ các thứ ngoại ngữ, trong đó có những lỗi mà chỉ cần chút ý thức học hỏi là có thể tránh được một cách dễ dàng – chỉ cần hỏi người bên cạnh là biết ngay, chứ chẳng cần đến một trình độ văn hoá phổ thông nào hết. Nhưng người phát thanh viên (hay người biên tập) không thèm hỏi, chính vì tưởng mình cái gì cũng biết rồi, không cần học hỏi gì ai khác nữa, nếu không phải là hoàn toàn vô trách nhiệm đối với công việc chuyên môn của mình. Vả lại, những lỗi này không bao giờ làm cho người phát thanh viên hay biên tập viên bị quở trách hay chê bai, và càng không có ai bị đuổi việc hay cách chức.
Một ví dụ tiêu biểu là cách đọc chữ “ñ” của tiếng Tây Ban Nha (như trong el niño, và la niña) mà người ta cương quyết đọc là [n]như thể không hề trông thấy cái dấu “ngã” viết trên chữ cái n. Tôi nói “tiêu biểu là vì nếu cái tinh thần hiếu học của dân ta còn tồn tại, thì một khi đã biết rằng n đọc là n, thì ñ tất nhiên phải đọc cách khác, chứ người Tây Ban Nha chẳng phải là một thứ người ngu xuẩn đến nỗi phải thêm một cái dấu “ngã” trên chữ n nếu ñ cũng chỉ đọc là n mà thôi. Người trông thấy chữ ñ ắt phải biết rằng đó là một chữ mà mình chưa học, và phải đi hỏi người khác mới biết được – nếu đương sự là một người còn có chút ít tính hiếu học. Đàng này, tuyệt nhiên không có ai thèm hỏi: mọi người đều cứ thế mà đọc “en nino” và “la nin a” như đọc chữ quốc ngữ. Dĩ nhiên, những lỗi như thế không có gì là quan trọng, nhưng nó rất tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của đương sự: những điều đơn giản như thế mà còn không buồn hỏi, huống hồ là những chuyện khó hơn?
Chỉ riêng một hiện tượng ấy thôi thiết tưởng cũng đủ cho thấy rằng cái “tinh thần hiếu học” cổ truyền đã hoàn toàn biến mất trong những con người được xã hội đã giao cho một nhiệm vụ quan trọng là truyền bá văn hoá trong đại chúng. Đặc biệt là những lỗi về tiếng Việt, những cách dùng từ sai, những câu bất thành cú (thường là vì cách dịch sát từng chữ do tính cẩu thả của những người dịch tin nước ngoài truyền bá), đã được nêu lên không biết bao nhiêu lần từ hơn nửa thế kỷ nay mà các biên tập viên cũng cứ lặp lại hàng mấy chục lần trong một buổi truyền hình hay phát thanh, và cứ mỗi năm lại được bổ sung thêm hàng chục kiếu lỗi mới phát minh. Những người lớn có văn hoá chỉ khinh bỉ nhún vai, nhưng thế hệ trẻ, nhất là học sinh tiểu học hay trung học cơ sở, thì lại tưởng đâu đó là một kiểu nói “hiện đại” hơn, vội vàng bắt chước, hoặc tuy không cố bắt chước nhưng nghe nhiều lần đâm quen, không thấy chướng tai nữa, và cứ thế thói nói ẩu, viết ẩu dần dần phổ biến, và rốt cục tiếng Việt trở thành một thứ tiếng tạp nham không còn có quy tắc ngữ pháp gì nữa.
…tôi chỉ xin bày tỏ một niềm tin rằng chừng nào tính hiếu học hãy còn thoi thóp trong một số người Việt bất chấp sự khinh miệt của xã hội, ta còn có thể hy vọng rằng sẽ có lúc nó được hồi sinh, vì đó là một trong những đức tính cao quý nhất của con người. Nhưng chỉ với điều kiện là chúng ta phải ra sức duy trì nó bằng tất cả tấm lòng, bất chấp xã hội, bất chấp thời cuộc, bất chấp cơ chế thị trường và những thói rởm đời đi đôi với nó, vì coi khinh học thức chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy vong của dân tộc.
CAO XUÂN HẠO
Bài đăng trên tạp chí Xưa và Nay, số 86(134) II – 2001