Bật mí với các bạn là Nhật Bản là nước ngoài đầu tiên mà tôi đặt chân tới, và Đức là nước mà tôi chọn để học hỏi lâu dài. Nhờ vậy, tôi nhanh chóng hứng thú với sự tối giản rất nhiều vì ở cả hai nước này, sự giản tiện trong mọi chi tiết ở khắp nơi.
Nếu ở Nhật Bản, những đồ đạc thừa thãi có thể là nguyên nhân chết người vì động đất xảy ra thường xuyên. Thì ở Đức, sự giản tiện trong thiết kế đặt lên hàng đầu vì nó cần đáp ứng như cầu của công năng của đồ dùng. Tôi đã nhiều lần phải công nhận nhiều điểm giống nhau trong những ngôi nhà ở Đức và Nhật. Ấn tượng đầu và cuối là cái ảnh hưởng tới chúng ta rất nhiều, và có lẽ vì thế, tư tưởng về tối giản đã dần hình thành với tôi từ lâu.
Nếu bạn thấy phong cách này quen quen, thì có thể là bạn đang dùng một chiếc iphone. Vì Steve Jobs là một fan hâm mộ của phong cách này. Mặc dù các sản phẩm của Apple có ghi ”Designed in California” nhưng thực chất là nó được thiết kế bởi người Đức. Steve Jobs đã lục tung khắp nơi trên thế giới, mãi mới chọn được một nhà thiết kế, và đó là người đến từ khu Rừng Đen phía nam nước Đức. Steve đã ”vác” cả công ty thiết kế này về Mĩ chỉ để có dòng chữ trên mà vẫn khiến Apple theo đúng phong cách chất. Và đặc biệt là, trong cuốn sách về tiểu sử của Steve Jobs, cách sống của ông được mô tả cũng chính là lối sống tối giản.
Quay lại với chuyện của tôi nhé, việc ”thích” vì bị ảnh hưởng thôi thì chưa đủ để hành động theo. Phong cách đẹp có lẽ chỉ để ngắm nhìn. Nhưng cái đẹp ấy không chỉ đơn giản là vẻ ngoài, mà ẩn phía dưới nó là cả một sự sâu sắc. Và mãi cho tới gần đây, tôi và chồng mới quyết định sẽ chuyển sang lối sống tối giản. Đó là khi tự hiểu và giải thích được nguyên lý Pareto. Đây là cách để hai vợ chồng tôi đạt được cuộc sống hiệu suất hơn, gần tới Phiêu hơn nữa.
Nguyên lý Pareto hay được gọi là 80/20 được khám phá từ 110 năm trước nhưng mãi tới 10 năm qua mới nổi tiếng. Một trong những nội dung của nó là: đôi khi những cái làm ta mất nhiều thời gian hoặc công sức (80% thời gian) lại chỉ có hiệu quả thấp (20% điểm số/lợi nhuận). Quy luật bất cân đối này xảy ra ở rất nhiều trong cuộc sống và xã hội của chúng ta. Trong căn nhà của chúng ta, có lẽ 80% diện tích chứa đồ đạc được dùng cho những thứ mà ta không cần thiết. Nhưng đồ đạc thực sự phục vụ ta chỉ chiếm khoảng 20% mà thôi.
Trong chính căn phòng của mình, tôi chỉ dành phần lớn thời gian … để ngủ vì tôi chủ yếu đi học, đi thư viện và đi làm cả tuần. Việc sắm đầy đủ giá sách, tủ quần áo, bàn, ghế, tủ đầu giường, mắc treo… thật ra là cho việc bầy bừa.
Mỗi khi bước vào căn nhà lớn, chỉ có một góc mà bạn lại thả mình nằm dài ở đó hầu hết thời gian. Trong tủ quần áo thì chúng ta cứ thích mặc đi mặc lại một vài cái và để thừa phần lớn những cái chưa mặc lần nào. Cả tủ cốc nhưng có khi chúng ta chỉ lấy ra và cất vào một cái hoặc một loại cốc.
Vậy thì sao?
À, vậy có nghĩa là chúng ta dành phần lớn thời gian lau dọn để lau những thứ chẳng bao giờ tận dụng, rồi ta đặt nó lại chỗ cũ, rồi để lần sau lại lau tiếp. Phần lớn diện tích nhà để chứa những cái tủ – đựng những đồ mà ta không dùng, hoặc phủi bụi, hoặc dùng để nuôi gián và bọ.
Quay lại với Pareto, một trích đoạn trong sách như sau:
”Lý do làm cho nguyên lý 80/20 có giá trị đến thế là do nó đi ngược lại với những gì chỉ cảm nhận bằng trực giác. Chúng ta thường cứ hay nghĩ rằng tất cả các nguyên nhân sẽ dẫn đến những kết quả với một tầm quan trọng gần như nhau.’‘
Phải rồi, chúng ta cần chỗ chứa đồ vì đó là nơi sẽ chứa hạnh phúc. Chúng ta nghĩ nếu mình có một ấm chén xinh xắn, một đôi giày hịn, một bộ quần áo lung linh, một cái xe máy đẹp, một chiếc balo xịn…thì mình sẽ hạnh phúc. Và như thế có thêm một cái nữa ta lại có thêm một hạnh phúc như vậy. Nhưng thực tế thì chúng ta đâu có yêu việc sử dụng tất cả các đôi giày như nhau? Chúng ta sẽ chỉ đi một vài đôi thôi, và chỗ giày còn lại hoặc là đẹp mà đau chân, hoặc là bị nóng quá, bị lỏng quá. Và nó không thực sự làm ta hạnh phúc như ta vẫn tưởng.
Vậy bạn có chắc là bạn muốn cày cuốc cả tháng lương đi dạy gia sư để mua thêm một đôi giày mới? Hay nếu đã có gia đình, bạn đang nai lưng đi làm để mua một ngôi nhà to hơn nhà cũ chỉ để bày nhiều đồ hơn?
Chúng có thực sự làm bạn hạnh phúc hơn không? Hay chỉ là một niềm vui nhỏ ngắn hạn nhất thời?
Với tôi thì rõ ràng câu trả lời là: Không! những thứ-thực-sự-làm-tôi-hạnh-phúc-hơn đúng là không cần nhiều như vậy. Tôi dùng 80% diện tích nhà cho những thứ không cần thiết (Thậm chí một căn nhà cũng chưa chắc cần thiết haha). Và hơn cả đang dùng quá nhiều tiền mua những thứ ấy mà nó thật sự chẳng làm tôi hạnh phúc hơn là mấy.
Mik/flownes.com