Bộ 3 quyển sách “Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia Khởi nghiệp” và “Khuyến học” – những quyển sách mà ngay từ đầu tôi đã tự kỷ ám thị với sự khô khan, những chuyện to tát lớn lao để rồi đọc một cách nhẩn nha, chậm chạp… Tuy nhiên, sau khi đọc xong cả 3 quyển sách, tôi nghĩ mình đã nghiệm ra nhiều điều mà từ bấy lâu nay trăn trở, loay hoay với chính bản thân mình, đồng thời học được nhiều bài học mới. Đó không như ban đầu tôi nghĩ – là những công thức làm giàu vật lý, mà đó còn là “kim chỉ nam”, những bài học làm người, làm sao sống một cuộc có ý nghĩa nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đầu tiên, tôi muốn nói đến quyển “Quốc gia Khởi nghiệp” – quyển sách mà tôi thấy khô khan nhất nhưng lại gặp được rất nhiều điều tâm đắc. Tôi thật sự cảm phục con người và đất nước Isael. Tôi rất khâm phục sự thẳng thắn, thích và không ngại tranh luận (với bất kỳ ai – không phân biệt sang hèn, chức danh, địa vị; và bất kỳ lúc nào); thích bí quyết lãnh đạo trong quân đội bằng “niềm tin” đối với cấp chỉ huy của mình được quyết định bởi năng lực của họ, vì thế, nếu không có niềm tin đồng nghĩa với việc không bao giờ tuân phục; đồng thời, tôi cũng yêu cái cách không kiểu cách, luôn thân thiện và bao dung giữa các viên tướng, sĩ quan và binh lính bình thường…
Sự sâu sắc của quyển sách còn được thể hiện ở chỗ mà ít người để ý, đó là sách đã trở thành một hiện tượng nuyên bản của người Israel – khi rất nhiều dân phượt trẻ tuổi Israel đi theo lời khuyên của quyển sách, họ hấp thụ quy tắc phượt toàn cầu: đi thật xa, ở thật lâu và nhìn thật kỹ. Đúng vậy, quyển sách không lý thuyết giáo điều, không chỉ bảo người ta phải học các công thức, các học thuyết,… mà còn chỉ dẫn người ta cách chơi, cách thoát khỏi cái bản ngã xưa cũ bị giam cầm. Bởi vì đi cũng là một cách học, mỗi chuyến đi là mỗi lần nhìn lại cái đang tồn tại trong con người mình để giải thoát nó và biến nó thành động lực, sức mạnh để trở về hành động.
Tiếp đến, quyển sách mang đến sự thú vị tiếp theo đó là giúp tôi nhìn nhận được chân lý “dám thừa nhận sai lầm, dám chấp nhận thất bại”. Từ nhỏ, tôi lớn lên trong môi trường khó chấp nhận sự sai lầm. Từ trong gia đình, cha mẹ bắt con cái phải tuân theo một khuôn mẫu định sẵn, nếu lệch đi đôi chút là sai lầm. Ở trường học, bài giảng của thầy cô là chân lý, nếu có bất kỳ suy nghĩ nào chệch hướng, là sai lầm. Đi cùng nỗi sợ sai lầm là muôn vàn nỗi sợ khác: sợ bị người khác chê bai suy nghĩ của mình là vớ vẩn, sợ người khác đánh giá cách thể hiện của mình chưa tốt, sợ tốn thời gian cho những thứ làm ra từ những ý tưởng điên rồ,… Tôi sống trong sợ hãi sai lầm và không cho phép bản thân được sai lầm hay thất bại. Nhưng càng lớn lên, tôi càng loay hoay với cái tôi không chấp nhận đó. Từ sâu trong tâm thức, cái tôi mãnh liệt muốn chống lại cái đã ăn sâu vào tâm thức. Bởi tôi nhận ra, không chấp nhận sai lầm đã chính là một sai lầm, một thất bại lớn nhất trong khoảng đời mà tôi đã sống.
Từ đó, tôi biết được mình phải học tập và hình thành thói quen thừa nhận sai làm. Đúng vậy, thừa nhận chứ không chấp nhận sai lầm. Bởi, chỉ khi dám nhìn thấy được sai lầm, để ta biết được mình chưa thực sự hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót, chưa đủ giỏi để luôn cố gắng để phát triển hơn. Dám thừa nhận thất bại thì ta luôn có cơ hội được làm lại một cách thận trọng hơn để đạt được hiệu quả cao hơn, mới có động lực để thay đổi và tiếp tục thay đổi, cải tiến bản thân, tiếp tục cố gắng phấn đấu tìm ra những phương pháp, cách thức hiệu quả hơn cho công việc và cuộc sống của bản thân. Khi đọc và ngẫm nghĩ những điều mình đã trải qua, tôi biết, trước bao thách thức, mình đã được trao rất nhiều cơ hội.
Hơn bao giờ hết, thông qua quyển sách này, tôi thấm thía được câu “thất bại là mẹ của thành công” mà bao lâu nay tôi tưởng mình đã hiểu rõ.
Với quyển sách “Nghĩ giàu Làm giàu”, không như suy nghĩ ban đầu của tôi đây là những công thức khô khan quy cũ của những con người lớn lao xa vời của Thế giới. Là quyển sách mà tôi đã hiểu lầm qua tựa đề – không phải những ai muốn làm giàu về vật lý mới cần đọc, mà những ai muốn có một cuộc đời không hối hận, thành công – dù ta có định nghĩa nó thế nào đi chăng nữa, lại càng nên đọc.
Khi đọc qua từng trang sách, xâu chuỗi từng nguyên tắc của quyển sách, tôi ngẫm nghĩ về mục tiêu ngắn hạn mà mình đã đặt ra cho công việc, sự nghiệp, mục tiêu dài hạn mà tôi luôn nghĩ về cuộc sống, về chính con người mà tôi muốn trở thành. Tôi hiểu được, để đạt được những mục tiêu đó, không phải chỉ cần được xác định rõ ràng, được vạch ra có hệ thống là được mà cần nhiều, nhiều hơn nữa đó là sự quyết đoán – người thành công có quyết định nhanh chóng và thay đổi chậm; người thất bại trong làm giàu lại đưa quyết định chần chừ, hay thay đổi nhanh chóng và thường xuyên. Đồng thời, thành công của một cá nhân trong một tập thể không có nghĩa là do một cá nhân ấy làm ra, mà là do cả tập thể ấy góp sức tạo nên. Những nỗ lực có tổ chức hình thành qua sự phối hợp của hai hay nhiều người cùng làm việc để hướng tới một mục đích rõ ràng trên tinh thần hòa hợp – là điều tôi cần, nên và phải học tập, rèn luyện để nhuần nhuyễn hơn. Và hơn bao giờ hết, để thực hiện được mục tiêu thì lòng kiên trì là không thể thiếu. Để đạt được điều mình mong muốn, tôi càng phải học cách tư duy tích cực, lạc quan. Nền tảng của lòng kiên trì là sức mạnh của ý chí và phải hiểu được rằng, mọi thứ trên đời muốn đạt được đều phải trả bằng một cái giá nhất định. Điều quan trọng là mình có “quen đi chợ” để mà biết “trả giá” hay không? Và điều cũng không kém phần quan trọng là giữ vững ý chí để không đánh mất bản thân. Sức mạnh ý chí và khát khao khi kết hợp đúng đắn sẽ nên một sức mạnh mãnh liệt vượt qua bất cứ khó khăn nào.
Đến với quyển sách “Khuyến học”, có thể nói, đây là quyển sách dễ đọc nhất, tôi có nhiều cảm xúc trước nhất bởi được tham gia một buổi tọa đàm về nó rất hay mà tôi rất tâm đắc. Tuy nhiên, tôi lại đọc nó lâu nhất và để lại trong tôi nhiều suy nghĩ trái chiều nhất. Bởi, trước khi đọc quyển sách, tôi đã rất thích đất nước, văn hóa Nhật và khâm phục con người, tính cách người Nhật. Vì thế, thật khó để đọc một quyển sách cho thật công tâm mà không áp đặt lối suy nghĩ cá nhân, để có thể cảm nhận được hết cái hay hay chưa hay của quyển sách. May thay, có lẽ tôi đã làm được điều đó.
Tôi học được từ quyển sách về cách học đúng đắn – điều mà trước nay ta vẫn làm nhưng không lưu tâm, nên có lẽ chưa thực sự làm tốt: học tập không ngừng nghỉ, không chỉ giới hạn ở trường lớp, kiến thức chuyên môn mà còn là tất cả trong cuộc sống, từ những người, những sự vật hiện tượng diễn ra xung quanh, về ý thức, cách hành xử giữa người và người, điều luật giữa công dân – pháp luật và nhà nước,… để định hình nên nhân cách, tư duy, hành động, từ đó dẫn đến cuộc đời của mỗi cá nhân. Từ đó, hình thành nên trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân người đó, cũng như gia đình và xã hội, đất nước.
Cuốn sách đã cho thấy, những điều lớn lao đều nên bắt nguồn từ những thứ tưởng chừng như nhỏ bé, đó là: mỗi người đều cần có ý thức học tập, hiểu được tầm quan trọng của việc học mọi thứ trong cuộc sống là điều quyết định tương lai của những thứ to lớn hơn. Vậy là, gần như, từng chương từng mục của quyển sách đều là mỗi dẫn chứng cụ thể, mỗi bài học quý báu. Ttừ việc “Làm thế nào để hun đúc và gìn giữ được chí khí độc lập và tự do”, “Những thứ không có ích chắc chắn sẽ có hại”, đến “Những lời dạy không thể chấp nhận từ trường nữ học”, “Không phải mọi điều trong luận ngữ đều đúng”,… Và một câu hỏi lớn “Mục đích của học vấn là gì?”
Đúng vậy, một câu hỏi lớn và theo tôi, có lẽ đây là chương trọng tâm nhất của quyển sách. Vậy mà, ngay từ đầu, chương mục này lại làm tôi phân vân, ngẫm nghĩ nhiều nhất, với mục “Có những người cảm thấy thỏa mãn chẳng khác gì loài sâu kiến” – cái mà tôi đã và vẫn đang loay hoay ở thời tuổi trẻ – giai đoạn đẹp nhất của đời người.
Tôi nhìn cuộc đời của cha mẹ, của anh chị em, những người trong dòng họ và luôn tự đặt cho mình câu hỏi: chẳng lẽ cuộc đời người ta cứ mãi hoài như vậy – sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc, lập gia đình, có của cải, con cái, nuôi lớn chúng thành người, rồi lại chết đi? Một vòng tròn cuộc đời. Đôi khi tôi thấy nó là cái vòng luẩn quẩn, như một đàn kiến vậy – chúng sống theo bầy đàn, chỉ biết nối đuôi theo con đi trước, con đi trước đi theo con đầu đàn, con đầu đàn đi theo tập tính sẵn có của tổ tiên đồng loại.
Tôi hoàn toàn đồng tình với tư tưởng của quyển sách: đã sống kiếp làm người thì không phải giống như muôn thú và cũng không nên giống như loài kiến. Phải nghĩ khác đi. Phải có cái gì đó khác biệt đi. Phải làm cái gì đó có ảnh hưởng đi.
Vâng, “ảnh hưởng”, tôi nghĩ ở khía cạnh nào đó, chương mục này có khuyến khích người ta đi theo hướng này, hoặc ích nhất là tôi muốn hiểu theo nghĩa này. “Ảnh hưởng” không có nghĩa là nhất thiết trong một sớm một chiều phải thay đổi một chính sách, một quy định, một chế độ nào đó. Mà ở đây, “ảnh hưởng” theo tôi, là góp một phần công sức vào quá trình ảnh hưởng, từng bước tạo ảnh hưởng và làm thay đổi. Đôi khi, những đóng góp ấy nhỏ thôi, có thể không dễ nhận ra, nhưng vẫn rất đáng trân trọng, chứ cứ chăm chăm làm việc, khư khư nghĩ đến cuối đời ta sẽ có được gì, của cải bao nhiêu,… thì quan trọng gì?!
Tôi nghĩ tác động của 3 quyển sách đến tôi nhất chính là giúp tôi dần dần thay đổi những suy nghĩ từ lâu đã ăn sâu cố hữu, giúp tôi có những cái nhìn khác hơn, học tập và rèn luyện để phát triển bản thân hơn, không chỉ trân trọng bản thân mình, mà còn tôn trọng hơn những người xung quanh mình, biết được tương lai, cơ hội vẫn đang ngay trước mắt – mọi thứ phụ thuộc vào tay mình có biết nắm giữ.
Tuyết Nhung – Tiền Giang