Wabi sabi là gì? Wabi sabi là vẻ đẹp của sự không hoàn hảo. Khái niệm đơn giản này đã ăn sâu, bén rễ vào văn hóa Nhật Bản và bạn có thể nhìn thấy wabi sabi ở khắp mọi nơi.
Wabi sabi có thể nói là triết lý sống thanh đạm của người Nhật, và người ta đã hữu hình hóa triết lý này vào không gian sống, các dụng cụ hàng ngày, các tác phẩm nghệ thuật… Wabi sabi ở khắp mọi nơi: một vết nứt trên ấm trà, gỗ của một chiếc cửa cũ, rêu trên đá, một phong cảnh mù sương, hình ảnh phản chiếu của ánh trăng trên mặt hồ…
1. Wabi sabi là gì?
Trong cuốn sách Wabi Sabi: The Japanese Art of Impermanence (tạm dịch: Wabi sabi: Nghệ thuật vô thường của người Nhật), tác giả Andrew Juniper đã định nghĩa wabi sabi là sự “trân trọng những vẻ đẹp phù du của cuộc sống, phản ánh dòng chảy vĩnh hằng của cuộc sống trong thế giới tinh thần”.
Đối với phong cảnh, vật thể và thậm chí cả con người, wabi sabi là sự trân trọng vẻ đẹp của những thứ sẽ biến mất. Kể cả khi không biến mất thì sự bào mòn của thời gian cũng khiến nhiều sự vật khoác lên một tấm áo quyến rũ khác. Đó là sức quyến rũ của tuổi già, của sự tàn phai.
Wabi sabi nghĩa là gì? Wabi sabi là sự kết hợp của hai từ kanji:
• Sabi: từ này xuất hiện vào thế kỷ thứ VIII, khi người ta muốn miêu tả sự hoang tàn. Vào thế kỷ XII, từ này được hiểu một cách cụ thể hơn, miêu tả việc “ung dung chiêm nghiệm” những thứ cũ kỹ và bị bào mòn, tàn phai, khô héo. Sabi còn có nghĩa là “cũ và thanh tao” hay “cổ xưa”. Nói đến sabi, người ta cảm nhận được một sự yên bình khó tả.
• Wabi: Đến thế kỷ XV, từ này mới xuất hiện. Wabi miêu tả việc cảm thụ nghệ thuật trà đạo, nói đến không khí chung và những vật thể được dùng trong các dịp nghi lễ. Từ wabi có nguồn gốc từ nỗi cô đơn và sầu muộn, nhờ đó mà trân trọng cuộc sống thanh bình, xa rời lối sống đô thị xô bồ.
Cụm từ wabi sabi không có nghĩa dịch chính xác. Đối với người Nhật, wabi sabi là một cảm giác hơn là một khái niệm. Wabi sabi có thể tìm thấy trong nghệ thuật cổ điển Nhật Bản: trong nghệ thuật cắm hoa, văn học, triết học, thơ ca, trà đạo, vườn thiền…
Wabi sabi trái ngược với thói quen tiêu dùng nhanh và lối sống tạm bợ, đồng thời khuyến khích sự tối giản và tính chân thật.
2. Nguồn gốc của thẩm mỹ wabi sabi
Khái niệm wabi sabi xuất phát từ câu chuyện về Sen no Rikyu, một thiền sư vào thế kỷ XVI, người đã khái quát học thuyết trà đạo mà đến nay người Nhật vẫn thực hành mỗi ngày.
Theo truyền thuyết, chàng thanh niên Sen no Rikyu rất háo hức muốn học bí quyết của nghệ thuật trà đạo. Chàng tìm đến một bậc thầy về trà tên Takeeno Joo. Thầy Takeeno Joo muốn kiểm tra khả năng của người học trò mới nên đã yêu cầu anh chăm sóc khu vườn.
Rikyu dọn vườn từ trước ra sau và quét sạch cho đến khi không còn một cọng rác nào. Tuy nhiên, trước khi thầy nhìn thấy nỗ lực của chàng, Rikyu đã rung lắc một cây anh đào làm hoa sakura rơi rụng đầy đất. Một chút không hoàn hảo này đã đem lại vẻ đẹp hoàn hảo cho quang cảnh. Đây chính là lịch sử ra đời của khái niệm wabi sabi.
Sen no Rikyu được xem là một trong những bậc thầy trà đạo Nhật Bản. Ông đã chuyển đổi nghi lễ trà đạo với những dụng cụ xa xỉ và hoa mỹ, thành một thói quen hàng ngày của người dân. Bằng việc sử dụng những dụng cụ không hoàn hảo, đôi khi bị nứt hoặc được sửa lại, trong một căn phòng tối giản, Rikyu đã biến việc thưởng trà trở thành khoảnh khắc chạm tới linh hồn.
Quan điểm của ông là: hòa hợp, tinh khiết, thành kính và bình dị. Hình thức thưởng trà thanh đạm này còn được gọi là wabi-cha (cha trong tiếng Nhật có nghĩa là trà).
Ngày nay, người Nhật vẫn thưởng trà đạo với những bộ ấm tách cũ kỹ hàng trăm năm tuổi. Trong nghề làm gốm Nhật Bản, những chiếc tách thường được nặn với hình dáng móp méo, bất nhất bởi vì mỗi vật thể cần phải có hình dáng độc nhất thì mới bộc lộ được hết vẻ đẹp duy biệt của nó.
Vẻ đẹp khiếm khuyết của wabi sabi được tìm thấy ở bất kì loại hình nghệ thuật nào. Bạn có thể thấy rất rõ phong cách này trong các dụng cụ trà đạo, chẳng hạn đồ gốm Raku Pottery.
3. Wabi sabi là gì? Wabi sabi trong nghệ thuật Nhật Bản
Wabi sabi là một phong cách nghệ thuật mô tả những vẻ đẹp mong manh, ngợi ca sự hủy hoại tinh tế của thời gian.
Trong văn học, wabi sabi thể hiện qua thể loại thơ thiền haiku. Thơ haiku rất ngắn, đôi khi chỉ vài dòng. Dưới đây là ví dụ về hai bài thơ haiku của Matsuo Bashō trong tập Xuân nhật (Haru no hi, 1686):
Ôi những hạt sương
Trân châu từng hạt
Hiện hình cố hương
* * *
Làng này, vùng núi này
Nơi không ai lui tới
Sẽ rất buồn nếu không buồn.
Về âm nhạc, người Nhật có loại sáo truyền thống gọi là Shakuhachi, cũng chịu ảnh hưởng của khái niệm wabi sabi. Sáo này làm từ ống tre thô, 2 đầu mở, có 5 lỗ. Dù rất đơn giản nhưng Shakuhachi lại là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Honkyoku là những bản nhạc do các thiền sư thổi bằng sáo, đây cũng được xem là chịu âm hưởng wabi sabi.
Nhật Bản nằm trên vùng địa chất phức tạp, thường xuyên chịu động đất và sóng thần. Do đó người Nhật vừa kính trọng thiên nhiên vừa e sợ nó. Từ sự ngưỡng mộ thiên nhiên đã hình thành nên nghệ thuật cắm hoa ikebana, với phong cách tối giản mang tinh thần wabi sabi. Chỉ một nhành hoa đơn lẻ trong bình cũng tỏa ra vẻ đẹp lay động.
Bonsai là nghệ thuật trồng cây cảnh trong bồn của người Nhật. Chỉ những cây nhỏ nhưng lại được cắt tỉa tạo hình như những cây cổ thụ kì vĩ, mang sắc thái thiền với những ý nghĩa ẩn chứa thú vị.
Karesansui là nghệ thuật làm vườn mang tính thiền định với đá, sỏi là chủ đạo. Vườn thiền không có cây lá sum suê hay hoa khoe sắc thắm mà chỉ là cát, sỏi, cây bụi, đá và rêu bám trên đá. Vườn thiền không được thiết kế để vui chơi dã ngoại, mà là nơi thiền sư chiêm nghiệm thông qua việc cào cát, sỏi.
4. Kintsugi: Nghệ thuật hàn gắn đồ gốm bằng vàng
Kintsugi là một kỹ thuật hàn gắn đồ vật đã bị vỡ, dùng chất liệu là sơn mài trộn với bột vàng, bạc hoặc bạch kim. Thay vì vứt bỏ những đồ sứ bị nứt vỡ, để tránh lãng phí, người Nhật có thể sửa chữa nó với kỹ thuật kintsugi, khiến món đồ chẳng những được chữa lành mà còn trở nên đẹp hơn.
Đây chính là triết lý tôn sùng vẻ đẹp thời gian của wabi sabi. Các chuyên gia sức khỏe cũng dùng khái niệm kintsugi khi muốn mô tả sự hồi phục, sự tái sinh sau bạo bệnh.
5. Wabi sabi trong nhận thức của thế giới
Leonard Koren là một kiến trúc sư người Mỹ, ông đã phổ cập khái niệm wabi sabi ra khỏi ranh giới Nhật Bản. Theo ông, wabi sabi không phải được tạo ra, mà nó tự nhiện xuất hiện, tự nhiên tồn tại. Ông so sánh wabi sabi giống việc một người tự nhiên nảy sinh tình yêu với một người xấu xí. Người này có thể thấu hiểu và trân trọng khiếm khuyết của đối phương.
Trong những năm gần đây, wabi sabi ngày càng được phương Tây thừa nhận. Có nhiều quyển sách của tác giả phương Tây viết về wabi sabi. Chẳng hạn, Leonard Koren đã xuất bản 2 cuốn là:
– Wabi Sabi For Artists, Designers, Poets & Philosophers (1994)
– Wabi Sabi Further Thoughts (2015)
Bạn có thể tìm hiểu những cuốn sách khác viết về wabi sabi như:
– Wabi Sabi: The Japanese Art of Impermanence của Andrew Juniper
– Wabi Sabi Japanese Wisdom for a Perfectly Imperfect Life của Beth Kempton
Đẹp và khó nắm bắt, wabi sabi là một phần cốt yếu trong phong cách sống của người Nhật Bản. Thời đại ngày nay, wabi sabi càng được ưa chuộng khi người ta thiên về lối sống chậm để cảm nhận những thứ tự nhiên, đơn giản xung quanh mình. Chỉ một cánh hoa nhỏ, một bức tranh đơn giản, một vài giọt mưa rơi… cũng có thể đem lại cho bạn chút niềm vui nho nhỏ trong ngày.