Đó là tinh thần chung, là quyết tâm cao độ của các đội đến từ khu vực Tây Nguyên, thể hiện rõ qua từng cử chỉ, lời nói và hành động tập thể, không phân biệt xuất phát điểm của trường, không ngại khoảng cách lĩnh vực chuyên môn có khác xa nhau,…
Đại học Tây Nguyên và những ấn tượng ngày đầu tiếp xúc
Gắn bó với Đại học Tây Nguyên đã 9 năm – 9 năm cũng là khoảng thời gian mà chàng trai Đỗ Mạnh Hoàng tạm xa Hà Nội để dừng chân lập nghiệp tại mảnh đất nhiều nắng, nhiều gió giữa cao nguyên. Lựa chọn cho mình một con đường lập thân, lập nghiệp xa nhà, 9 năm qua, của cải mà chàng trai này có là tình cảm yêu mến của các bạn sinh viên khoa Kinh tế, là tiếng gọi thầy thân thương, là cảm giác gần gũi đến không còn khoảng cách thế hệ giữa thầy và trò.
Năm nay, lần đầu tiên Hoàng tham gia Hành trình cùng các em sinh viên của mình với tư cách người đứng đầu, người chịu trách nhiệm cho thành – bại của đội Đại học Tây Nguyên 1 nhưng vẻ tự tin vẫn thể hiện rất rõ trên nét mặt, trong câu chuyện của Hoàng về quá trình bắt đầu tham gia của đội. Lợi thế của các bạn là ngành học, là những kiến thức về Kinh tế mà hàng ngày các bạn thu nhận được trong từng buổi lên lớp, qua chính những kinh nghiệm thực tế của những người đang hàng ngày tham gia vào quá trình giảng dạy. Xuất phát từ những “tò mò” về chương trình từ những ngày đầu tham gia cho đến bây giờ, khi sắp bước vào cuộc thi chính thức ngày 1/11, qua tiếp xúc, nói chuyện với những người trong Ban Tổ chức, Hoàng đã hiểu phần nào ý nghĩa, mục đích, mục tiêu mà Hành trình đang hướng tới. Và rồi từ đó, anh đã truyền tải được đến với đội chơi của mình.
Quốc gia Khởi nghiệp được lựa chọn như cẩm nang trong quá trình chuẩn bị cho Hành trình. Các bạn đọc với một nền tảng cơ bản có sẵn về thế nào là làm kinh tế, thế nào là làm giàu nên thấm rất nhanh, đủ để các bạn có thể áp dụng rất nhiều cho phần thi của mình.
“Hết mình” là những gì mà đội Tây Nguyên 1 luôn hướng tới – để sau cuộc thi này, dù có dừng lại hay đi tiếp, họ cũng không ân hận vì mình đã không làm hết sức mình. Đó dường như cũng là tâm nguyện của chàng trai trẻ – giảng viên khoa Kinh tế – người đang tiếp sức cho các bạn trong đội thi khi được hỏi: bạn có ân hận khi bỏ Hà Nội mà đi và có muốn quay về lại Hà Nội để làm việc không? Câu trả lời rất đơn giản: tôi chưa nghĩ đến điều đó vì ở đây tôi đang có cơ hội thực hiện những dự định và ước mơ của mình.
Y-Phunni Mlô – thành viên của đội Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên.
Đam mê cũng cần được nuôi dưỡng
Nếu như kiến thức kinh tế là lợi thế cho Tây Nguyên 1 thì đó lại là bất lợi của Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên. Hàng ngày, các bạn tiếp xúc với âm nhạc, với những điệu múa, câu hát, lời ru. Các bạn dường như xa lại với những khái niệm về tiền tệ, về đầu tư hay thu hồi vốn. Nhưng, ngay cả khi người chịu trách nhiệm chính cho cuộc thi có nói với các bạn rằng: chúng ta sẽ đi thi với tinh thần vui là chính, thi để lấy phong trào và biết chắc không có khả năng đoạt giải – thì các bạn đã làm cho chính người đứng đầu đó phải thay đổi suy nghĩ với tuyên bố “Trường khác làm được thì trường mình làm được và làm tốt hơn”. Các bạn hào hứng lựa chọn đề tài tham gia, dù cho đến sát ngày thi, đề tài đã được thay đổi đến lần thứ 3 sau khi được các chuyên gia tư vấn. Các bạn tự tin khi nói đến kết quả cuộc thi: rằng không phải chúng tôi là trường nghệ thuật mà không biết làm giàu, và không có lý do gì để ngăn cản việc một trường nghệ thuật sẽ chiến thắng một trường kinh tế trong cuộc thi về nghĩ giàu – làm giàu. Bởi vì trong mỗi một con người, khả năng sáng tạo, ý tưởng đột phá không hề bị phân biệt bằng kiến thức mà họ đang có.
“Em đam mê âm nhạc, muốn trở thành một ca sỹ thành danh trong tương lai và từ lâu em đã xác định mình sẽ lấy kinh doanh để nuôi dưỡng đam mê của mình. Nói một cách đơn giản hơn là nếu em tốt nghiệp ngành thanh nhạc ra, em theo đuổi sự nghiệp ca sĩ thì để chủ động và có điều kiện chinh phục đỉnh cao sự nghiệp ca hát của mình, ít ra em cũng phải có nguồn kinh tế bổ trợ, nếu không sẽ là một khó khăn không hề nhỏ chút nào. Lúc trước em cùng gia đình làm nông thôi, nhưng chính vì em đam mê ca hát nên em đã nỗ lực thi và theo học tại trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên như hiện nay. Giờ em đam mê khởi nghiệp để vừa nuôi dưỡng đam mê ca hát của mình vừa phát huy được nghề nông của gia đình, đó cũng là lý do em rất phấn khởi khi tham gia Hành trình này, một hành trình có thể giúp giấc mơ của em thành hiện thực trong thời gian sắp tới”, bạn Y-Phunni Mlô – thành viên của đội Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên chia sẻ.
Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên
Dù xuất phát từ ngành nghề, lĩnh vực nào đi chăng nữa thì điều quan trọng là phải XÁC ĐỊNH NĂNG LỰC LÕI của mình. Ai hiểu được năng lực lõi của mình là gì, quyết tâm khám phá, làm lớn nó, thì người đó có cơ hội thành công. Điều này không đòi hỏi bạn phải là một người kinh doanh, nhưng phải là người hiểu sở trường của mình. Nói cách khác, trong mỗi con người có tới 3-4 con người: vừa là một chiến binh thách thức những trở ngại, nghịch cảnh, biết vượt qua, thậm chí biến nghịch cảnh trở thành một điểm mạnh, phục vụ cho mình; vừa là một doanh nhân biết khai thác, tận dụng những sở trường của mình, tránh những sở đoản để giỏi nghệ thuật thì làm về nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm về khoa học, giỏi nghề thì làm nghề,…; vừa biết khai thác những ưu thế của mình một cách Sáng tạo – luôn khác biệt, tạo ra những dấu ấn riêng của mình,…
Vì thế, cơ hội thành công dành cho tất cả mọi người. Nếu một ca khúc bạn viết ra, một bức tranh bạn vẽ, một điệu múa sáng tác,… được nhiều người đón nhận, biểu diễn không chỉ cho số ít mà cho cả ngàn, cả triệu người, thậm chí xuất khẩu, mang đi triển lãm, biểu diễn ở quốc tế,… thì nghĩa là bạn đã biết được năng lực lõi của mình và biết tạo ra sự giàu có từ năng lực ấy.
Tiếp xúc với các bạn, nhìn các bạn thảo luận với nhau, nhìn thấy sự quyết tâm thể hiện qua ánh mắt, lời nói, qua những lập luận, diễn giải mà các bạn thể hiện trong khi tranh luận mới thấy thấm thía câu nói: khi cùng nhau – không gì là không thể!
Thảo Ý