Đây là câu hỏi xuất hiện trên trang Quora, 1 trang web, nơi mà mọi người gửi câu hỏi và những người khác sẽ trả lời. Chắc hẳn bạn cũng đôi lần tự hỏi việc tại sao có những người làm việc ở những vị trí như mơ ở Facebook hay Google nhưng vẫn bỏ việc.
Có 1 danh sách dài những lý do vì sao nhiều người từ bỏ công việc đáng mơ ước tại Google hoặc Facebook. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu giả thiết “Big Lie”, “lời nói dối khổng lồ” hay còn gọi là “lộng giả thành chân”. Nhiều người định nghĩa đây như một chiến thuật tuyên truyền rằng “con người tin vào một lời nói dối lớn, hơn là tin vào một lời nói dối nhỏ và nếu một lời nói dối được lập lại nhiều lần với nhiều người, người ta sẽ tin vào nó không sớm thì muộn”. Nói nôm na thì Big Lie theo 1 logic mà nghiều người nghĩ rằng nó hiển nhiên như sau:
– Học tập chăm chỉ ở trường.
– Đạt được điểm số tốt.
– Đủ điều kiện để vào trường đại học danh tiếng.
– Được làm việc ở 1 công ty lớn.
– Gia đình, bạn bè và người yêu hãnh diện.
– Sống 1 cuộc sống tốt đẹp.
Thuyết Big Lie dựa trên những suy luận như sau:
Mọi thứ được sắp xếp dựa trên 1 trình tự từ cao tới thấp như cái thang. Chẳng hạn như người tốt nghiệp đứng đầu lớp sẽ giỏi hơn người tốt nghiệp đứng thứ 2, học tập ở trường đại học loại top sẽ tốt hơn ở trường đại học bình thường, làm việc ở những công ty lớn như Google, Amazon sẽ tốt hơn những công ty bé hơn. Cứ mỗi lần đạt được 1 điều “tốt hơn” như thế, chúng ta sẽ càng cảm thấy hạnh phúc và tất nhiên, người đạt được nhiều thứ nhất sẽ là người thành đạt và hạnh phúc nhất. Những người tài giỏi sẽ biết cách để chiến thắng trong cuộc đua này và chúng ta đều biết thắng hay thua sẽ như thế nào bởi gia đình, bạn bè thường sẽ sẽ nhìn vào đó để đánh giá con người của bạn.
Big Lie cũng ảnh hưởng lên tất cả mọi người xung quanh bạn. Họ thường có suy nghĩ rằng mình đang giúp bạn và muốn tốt cho bạn. Những người đó có thể là cha mẹ muốn con cái có việc làm tốt ở công ty uy tín hay thầy cô giáo muốn học sinh đạt được điểm cao hoặc các công ty tạo ra môi trường làm việc tốt để thu hút nhân tài.
Điều này nói ra tuy không mới nhưng chẳng bao giờ thừa: Áp dụng 1 công thức cho mọi người là điều không tốt bởi mỗi chúng ta đều khác nhau. Mặc dù vậy, thực tế lại hoàn toàn khác, Big Lie ảnh hưởng tới hầu hết mọi người, đặc biệt là những người trẻ hay sinh viên mới ra trường vốn khát khao việc làm. Big Lie không chỉ là 1 phần hậu quả của những áp lực từ gia đình, bạn bè lên chúng ta mà còn là kết quả của việc thiếu thông tin. Ví dụ như nhiều người muốn làm việc tại Google hoặc Facebook bởi đó là 2 công ty công nghệ lớn mà họ hiểu rõ nhất trong khi có tới 100 công ty ít danh tiếng nhưng thậm chí môi trường làm việc lại tốt hơn.
Giờ là lúc chúng ta tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao những người làm việc tại Facebook hay Google nhưng vẫn muốn bỏ việc. Dưới đây là 1 vài nguyên nhân phổ biến:
Khi là nhân viên của 1 công ty lớn, họ cảm thấy bị nghẹt thở bởi môi trường cạnh tranh cũng như không cảm nhận được sự đóng góp ở vị trí của mình. Do vậy họ thường có xu hướng chuyển tới những công ty nhỏ hơn để thay đổi không khí. Trong khi đó, không ít người người nảy sinh ra các ý tưởng độc đáo cho công ty của riêng họ và muốn thực hiện chúng bằng cách khởi nghiệp.
Cũng tồn tại những người khao khát tìm hiểu những điều mới mẻ nên muốn làm việc tại các công ty nhỏ hơn và chỉ tập trung vào lĩnh vực mà mình đang quan tâm. Lại có những người cha, mẹ bị ốm hay vợ hoặc chồng có cơ hội làm việc tại 1 thành phố khác khiến họ phải bỏ việc. Một số khác thì nhận ra mình không thể trẻ mãi và muốn dành 1 năm để đi du lịch, khám phá những chuyến đi trước khi định cư ở nơi nào đó. Đơn giản hơn, nhiều người cảm thấy chán khi phải làm việc tại 1 công ty với những đồng nghiệp như thế trong thời gian dài và muốn thay đổi hoặc chỉ muốn chuyển nghề khác vì thấy không hợp.
Đối với những người xác định làm việc tại những công ty lớn ngay từ đầu có mục tiêu rõ ràng, có thể lý giải nguyên nhân nghỉ việc rất dễ dàng khi mà họ đã đạt được mục tiêu trong công việc và muốn chuyển tới công ty khác lớn hơn, ở vị trí làm việc tốt hơn, phù hợp với kinh nghiệm và các mối quan hệ của họ.
Còn đối với những người chọn gia nhập công ty lớn vì tin vào Big Lie, họ chịu áp lực từ gia đình, bạn bè và không muốn làm những người đó thất vọng. Trải qua năm tháng làm việc, dù vị trí của họ có tốt nhưng họ vẫn không hạnh phúc bởi đó không phải là lựa chọn của họ. Lâu dần, họ nhận ra đây là 1 sai lầm và đã lãng phí thời gian cho những thứ mà mình không thuộc về.
Được làm việc tại những công ty lớn như Google và Facebook là điều tuyệt vời nhưng có thể là thảm họa đối với những người lựa chọn sai lầm và ở lại đó quá lâu vì ngại thay đổi do quán tính quá lớn. Những người không biết mình là ai, muốn gì, thích gì sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ này. Bởi không thể tự định hướng được nên họ sẽ phải nhờ vào gia đình và bạn bè.
Mọi người là khác biệt. Khi hiểu được điều đó, bạn sẽ dễ dàng tìm ra được điều gì là tốt nhất cho mình từ đó xác định được mục tiêu nghề nghiệp cho riêng mình thay vì để người khác lựa chọn giúp. Mục tiêu đó, có thể là Google, Facebook, có thể không nhưng nó phù hợp với bạn. Đó mới là điều làm chúng ta hạnh phúc và chẳng phải Steve Jobs cũng đã từng nói: “Thời gian là có hạn, vậy nên đừng phí phạm sống cuộc sống của người khác”.
Theo Gamek