Có bao giờ bạn gặp phải trường hợp: vừa ra khỏi cửa nhà, hoặc đơn giản chỉ đi từ phòng này sang phòng khác là đã quên ngay mục đích ban đầu của mình? Và cũng phải mất một lúc rất lâu sau đó, bạn mới nhớ ra ban đầu mình định làm gì…
Nếu gặp phải trường hợp trên, trước hết bạn không nên lo lắng. Bởi ngay cả những thiên tài có trí nhớ siêu phàm cũng không thể tránh khỏi tình huống “não cá vàng” trong chốc lát.
Còn theo các nhà khoa học, đây được gọi là “hiệu ứng ngoài cửa” – (Doorway Effect), có thể hiểu như một cơ chế khiến con người tạm thời mất trí nhớ trong thời gian ngắn.
Vào năm 2011, Gabriel Radvansky và các đồng nghiệp tại Đại học Notre Dame đã thực hiện một nghiên cứu nhằm lý giải “hiệu ứng ngoài cửa”.
Họ mời tới 55 tình nguyện viên và cùng chơi một trò trên máy tính. Nội dung của trò chơi này là yêu cầu các tình nguyện viên phải chuyển đồ đạc từ một căn phòng ảo này sang căn phòng ảo khác.
Mỗi lần “bước sang” một căn phòng ảo, màn hình máy tính sẽ xuất hiện một đồ vật bất kì. Nếu món đồ này trùng với món đồ mà họ đang cầm, hoặc vừa mới bỏ xuống, họ phải chọn nhấn vào “yes”. Những hình ảnh này có lúc sẽ xuất hiện sau khi họ đi vào phòng, có lúc thì xuất hiện khi họ vẫn đang ở trong phòng.
Tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu đưa 55 tình nguyện viên tới một tòa nhà thực. Kết quả hết sức bất ngờ. Dù là căn phỏng ảo hay thực, các tình nguyện viên cũng vẫn mắc phải chứng “mất trí nhớ tạm thời”. Bởi chỉ cần bước ra ngay khỏi cửa, họ sẽ quên ngay mình đang định làm gì.
Và như khỏi thói quen, bước ra khỏi căn phòng – không kể khoảng cách là bao xa, kí ức trước đó của họ hầu như bị xóa sạch, nhằm nạp thêm các kí ức mới.
Và cho tới thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách có thể tránh được loại “hiệu ứng ngoài cửa” này.
Còn theo Gabriel Radvansky, não người giống như một chiếc máy tính. Mỗi ngày chiếc máy tính ấy sẽ phải xử lý một lượng thông tin phức tạp trong cùng một lúc. Do đó, sẽ có thời điểm thông tin chưa kịp lưu lại, và phải lưu trữ thông tin theo thứ tự ưu tiên.
Nghĩa là khi xuất hiện một môi trường mới, não sẽ ưu tiên ghi nhận sự vật hiện tượng, trong hoàn cảnh đó trước. Nhưng một khi rời khỏi hoàn cảnh đó, não sẽ cho rằng thông tin trước đây không còn có ích nữa, và tiến hành tự động xóa khỏi kí ức, giúp chúng ta tiếp nhận những thông tin mới.
Điều này giải thích tại sao, khi bước qua một cánh cửa, hoặc đơn giản chỉ đi từ phòng này sang phòng khác, nhiều người có thể quên ngay mục đích ban đầu của mình.
Huyền My / Trí Thức Trẻ