Sau khi đọc bộ ba quyển sách “Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Nghĩ giàu làm giàu”, tôi thấy đây quả là những quyển sách hay, cung cấp nhiều kiến thức hữu ích, thiết thực và đặc biệt là có tác động lớn đến lối suy nghĩ cá nhân.
Mới nhìn qua tên sách, bản thân tôi cũng nghĩ mình “không có động lực gì để đọc sách dạy làm giàu và tư duy to tát như thế này”. Tôi nghĩ đây là phản ứng chung của không ít bạn trẻ khi nhìn thấy sách. Tuy nhiên, sau khi đọc, tôi cảm thấy đây hẳn là “duyên” để mình đọc được những quyển sách thế này. Những kiến thức trong bộ sách tưởng chừng như chỉ hướng tới những điều lớn lao như phải làm giàu, phải thành công, trở thành người có tư duy lớn lao, nghĩ suy đến vận mệnh đất nước. Dù vậy, khi đã thực sự đọc và tiếp thu kiến thức từ bộ sách, tôi nghĩ tác dụng đầu tiên của bộ sách không phải dạy làm giàu mà chính là dạy làm người.
Dạy làm người ở đây không phải quan niệm giáo điều, những kiến thức từ bộ sách đánh thức trong tôi một suy nghĩ rằng mình chỉ có 1 đời để sống, cho nên phải sống có trách nhiệm với bản thân, có trách nhiệm với cơ hội “chỉ có duy nhất 1 lần này”. Từ quyển sách Nghĩ Giàu Làm Giàu, điều tác động lớn nhất đến bản thân tôi chính là câu hỏi: mình đã dám sống nhiệt tình, dũng cảm và đầy nhiệt huyết cho chính cá nhân mình chưa? Việc tác giả quyển sách tiết lộ bí quyết thành công của những con người kiệt xuất trên thế giới là tất cả khởi nguồn từ chính bản thân họ là khát vọng tự thân, chắc chắn sẽ khiến nhiều người thoạt đầu nghĩ nó quá đơn giản. Không ai không có ước mơ, không ai không muốn mình trở nên giàu có và xuất chúng, chỉ có một điều những người thành công có sự quyết liệt với mọi thứ, ngay trong khao khát của bản thân, kiên trì, dũng cảm đương đầu với thử thách, không sợ thất bại và biết học hỏi kinh nghiệm từ những thất bại ấy để làm tốt hơn vào lần sau. Đó là sự khác biệt của người thành công và người thua cuộc. Xét ở một diện rộng, rất nhiều người bị đóng mác thất bại bởi họ “không đủ sức” trải qua hành trình rèn luyện bản thân như những người thành công. Thêm nữa, họ không đủ tầm nhận thức lẫn kiến thức để tự mình đi đến thành công như số ít người còn lại.
Sự thiếu kiên nhẫn xuất hiện ngay trong việc… đọc những cuốn sách hướng dẫn bí quyết thành công. Dù vậy, khi đã đọc và nhận thấy bản thân còn nhiều “triệu chứng” như số đông những người chưa thành công, tôi nghĩ bản thân đã học được những bài học thiết thực để mình sống tốt hơn, có định hướng tương lai rõ ràng hơn và ít nhất, khi kiên trì với những thói quen tốt ấy, tôi sẽ trở thành người thành công hơn so với chính bản thân mình trước kia. Với tôi, đó là tác động rõ rệt nhất của bộ sách đến bản thân.
Trong 3 quyển sách, Khuyến học là quyển sách có cách thức truyền đạt theo tôi là gần gũi, giản dị, dễ hiểu nhất; nó giống một cuộc nói chuyện thân mật của một người thầy với học trò. Kiến thức và việc thường xuyên thu nạp kiến thức là điều không bao giờ thừa. Trong phạm vi cuốn sách, học tập không ngừng không chỉ giới hạn trong kiến thức chuyên môn, hãy học tất cả những kiến thức để hình thành nhân cách, cá tính, lối tư duy, cả tính trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và rộng hơn là đất nước. Một người tốt chưa chắc thay đổi được lề thói xã hội, cải tổ những bất cập của hệ thống quản lý, nhà nước… Nhưng, một người tốt có thể tác động để người khác học tập, từ đó nhân rộng ra một nhóm, cộng đồng giới hạn rồi cộng đồng lớn. Từ đó tạo thành làn sóng và tiếp tục tác động đến xã hội về nhiều mặt: ý thức, cách cư xử, hành động, điều luật, chính sách… Những điều to tát bắt nguồn từ những cá nhân nhỏ bé, việc mỗi người có ý thức học tập, hiểu được tầm quan trọng của việc học mọi thứ trong cuộc sống là điều then chốt quyết định tương lai của thứ to lớn hơn chính là xã hội và đất nước.
Quyển sách mang đến sự thú vị nhất với tôi là Quốc gia khởi nghiệp. Thú vị bởi sự ấn tượng từ tính cách của con người Israel, cách họ “tôn thờ” sự sáng tạo và biến nó thành yếu tố cần thiết như ô xy, cũng như phong cách yêu tranh luận và dám thừa nhận sai lầm. Đối chiếu với thông tin từ quyển Nghĩ giàu Làm giàu thì có lẽ dân tộc Israel là những con người không biết sợ: sợ bị người khác chê ý tưởng của mình ngớ ngẩn, sợ thất bại, sợ tốn thời gian cho những ý tưởng không được sử dụng… Hoàn cảnh đất nước khiến họ không có thời gian để lo sợ quá nhiều, những ý tưởng sáng tạo duy trì mọi thứ vận động, đổi mới và phát triển. Trong thực tế xã hội ta, tình trạng sợ sự thay đổi, sợ những thứ khác với khuôn mẫu, đối với cá nhân, nỗi sợ này hạn chế những ý tưởng mới, cách thức mới để xử lý công việc tốt hơn, đạt được nhiều thành tích hơn. Từ đó, suy rộng ra, xã hội thiếu cá nhân có khả năng sáng tạo sẽ thiếu những gương mặt thành công, doanh nghiệp lớn với các hoạt động, thành thích mang tính đột phá…
Bài học thứ 2 tôi rút ra được chính là phải tập thói quen mạnh dạn thừa nhận sai lầm, sửa đổi và tiếp tục cố gắng suy nghĩ để có những giải pháp tốt hơn nữa cho công việc, cũng như mọi vấn đề trong cuộc sống của mình. Ngoài ra, tinh thần “sai lầm là điều chấp nhận được” của người Israel là điều không chỉ mỗi cá nhân cần ghi nhớ mà các tập thể, hội nhóm, công ty, tổ chức cần xây dựng. Bởi khi cá nhân hiểu được rằng để có kinh nghiệm thì những sai lầm là người thầy lớn nhất, khi chấp nhận mình không giỏi, còn nhiều thiếu sót nhưng luôn có cơ hội làm lại, tâm lý của 1 người thất bại sẽ mạnh mẽ hơn, có ý thức học hỏi từ sai lầm rõ ràng hơn nhiều. Với một tổ chức nào đó, khi có tư duy chấp nhận thất bại, họ đã cho thành viên/nhân viên của mình cơ hội để làm lại với hiệu suất cao hơn, cẩn trọng và có chọn lọc hơn rất nhiều so với việc luôn chỉ trích, quy chụp và thải loại một người vì những thiếu sót của người đó. Một người thành công có phản ứng nhanh nhạy, tư duy sắc bén, kinh nghiệm ứng xử lão luyện chắc chắn không ít phần trong những kỹ năng đó họ tích lũy được từ những thất bại. Với những người không dám chấp nhận thất bại thì có lẽ sẽ khó có thể tiến tới thành công được.
Cuối cùng, Nghĩ giàu Làm giàu là quyển sách mang đến nhiều bài học “có thể áp dụng ngay” cho tôi nhất. Không phải đọc sách xong sẽ nuôi ngay ý định làm giàu, sau khi gấp sách lại, tôi hiểu được rằng mình cần tôn trọng sức mạnh nội tại của mình hơn, cần quyết tâm vạch ra mục tiêu cho bản thân và kiên trì lẫn nghiêm khắc hướng bản thân mình thực hiện mục tiêu đó. Cuộc sống không định hướng với lý do “thuận theo lẽ tự nhiên” sẽ yên ổn, bình lặng, dễ chịu khi vẫn có việc để làm, có tiền để sống, có niềm vui để theo đuổi, dù vậy, cuộc sống đó sẽ mãi ở mức trung bình và thiếu sự vững chắc cho tương lai. Những bài học trong sách Nghĩ giàu Làm giàu ở tầm vĩ mô có thể tôi chưa thực hiện được nhưng ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ mình đã biết bản thân cần xác định mục tiêu cho 5 năm tới, cần kiên trì và hiểu rằng mọi thứ đạt được đều cần phải trả giá. Để đạt tới đích do chính mình đặt ra, tôi cần học hỏi nhiều hơn nữa, tư duy tích cực, duy trì sự lạc quan và phải có sức khỏe.
Có lẽ tác động của bộ sách đến bản thân tôi hiện giờ chỉ dừng lại ở những quyết định và thay đổi cá nhân. Tuy nhiên, việc có động lực và kiến thức hướng dẫn để đốc thúc chính mình trở nên tốt hơn, tích cực hơn đã chứng minh sức mạnh thực sự những quyển sách tác động đến độc giả. Có thể tôi chưa đủ kiến thức và tầm nhìn để thay đổi cuộc đời sau khi đọc bộ sách nhưng tôi tin chắc “đời thay đổi khi ta thay đổi”, dù là từng bước nhỏ. Vậy, sau hết, nếu nghiêm túc học tập những kiến thức quý báu trên dài lâu, dù ở tuổi nào, nó đúng là những cuốn sách đổi đời.
Hoàng Thị Tín – Vũng Tàu