Tiếp thị các dự án khởi nghiệp
Mới đây, sáng chủ nhật 12/3/2017, tôi lại đến Làng cà phê Trung Nguyên ở Đăk Lăk, trong ngày cuối cùng của lễ hội Cà phê để cùng nhạc sĩ Dương Thụ và á hậu Tú Anh trò chuyện với các bạn trẻ về cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp và trao đổi về các dự định khởi nghiệp của họ. Một số bạn trẻ khá chủ động phát triển các dự án từ những sản phẩm bản địa đặc sắc nhưng vẫn còn làm riêng lẻ, và cũng đang tự đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi khá căn bản như làm thế nào khởi nghiệp thành công, cỡ tuổi nào nên khởi nghiệp, làm sao phân biệt được giữa can đảm không ngại thất bại với sự liều lĩnh? Và nếu muốn tiến hành một dự án thì bắt đầu từ đâu?…
Tôi nói về kinh nghiệm của Israel rằng tài sản lớn nhất để khởi nghiệp không phải là vốn về tài chính mà quan trọng nhất là nguồn lực con nguời. Các nhà đầu tư Israel ưu tiên chọn những dự án mà đội ngũ sáng lập có đủ ba năng lực: giỏi kỹ thuật chuyên môn, giỏi kinh doanh và giỏi phát triển các mối quan hệ.
Tôi cũng không giấu giếm nỗi lo về hiệu ứng “phong trào” đang khiến không ít bạn trẻ ngộ nhận, hiểu nhầm về triển vọng “sáng ngời” của khởi nghiệp. Thay vì hiểu thực chất đây là con đường hết sức gian nan, có khi còn gian nan hơn doanh nghiệp (vì cũng làm doanh nghiệp, nhưng là mới khởi sự, mới bắt đầu mọi sự). Không rõ ràng trong xác định mô hình kinh doanh, xác định “cách kiếm tiền” là thiếu sót lớn ít được quan tâm (chủ yếu thấy mọi người đang thành công thì làm theo), rồi cũng chưa hiểu rõ về khách hàng mục tiêu, dung lượng và phân khúc thị trường…
Tại cuộc họp ở Dăk Lăk, có ba dự án cụ thể được nêu ra hỏi. Dứa Tắc Cậu sấy dẻo. Sữa nghệ mật ong và dự án homestay tại một huyện ven của một bạn người Ê Đê. Cả ba đều dựa trên thế mạnh bản địa, là đúng hướng, là một hướng đi căn cơ. Dứa ngon, và chủ doanh nghiệp khởi nghiệp còn biết nhắc đến câu chuyện Tony Buổi Sáng khen dứa Tắc Cậu ngon nhất nước. Tiếc là cái tên Tony Buổi Sáng chưa biến thành câu chuyện tiếp thị hấp dẫn.
Tôi nhớ bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng mà “dượng” Tony kể, kể hay đến nỗi người đọc như nghe được tiếng “dượng” ca réo rắt bên tai, khiến người nghe mê luôn những miếng dứa ngọt thơm đồng bằng. Mật ong pha nghệ, kết hợp hay giữa mật ong rừng với tính năng của nghệ nhưng màu chưa đẹp, bao bì thô sơ và vị của nghệ xử lý còn vụng, có thể khiến người dùng ngại chút vị của thuốc.
Còn dự án homestay được góp ý sôi nổi nhất về khía cạnh hãy tìm những gì độc đáo, khác biệt nhất của vùng Ban Mê Thuột mà khách đi tour thâm nhập đời sống các gia đình các nơi xa kỳ vọng. Người chủ dự án muốn bán cả nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ và mọi người khuyên can. Dịch vụ cung cấp cho khách lưu trú loại này thường là ẩm thực tươi, ngon, đậm màu sắc địa phương, không gian thư giãn, chi phí không cao, dễ quảng bá trên mạng. Nhưng nhạc sĩ Dương Thụ lại đưa ra một ý kiến khá gắn thực tiễn, rằng với Tây Nguyên, làm homestay còn phải chú ý khía cạnh an ninh.
Vấn đề bảo vệ an toàn cho khách và an ninh cho thôn làng cần giải quyết và điều này, cần kiến nghị Nhà nước ủng hộ doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm. Nếu thử nghiệm trôi chảy, triển vọng phát triển rất lạc quan.
Những điều còn thiếu và giải pháp
Thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, đó chính là trở ngại lớn cho các bạn trẻ sinh viên ra trường khởi nghiệp. Được bộ máy đoàn, hội khuyến khích, hô hào, thậm chí tạo điều kiện thực sự (cung cấp không gian mở văn phòng, phương tiện ban đầu để khởi sự, chút vốn vay ưu đãi…) thế là các dự án xông lên. Từ những giải thưởng dành cho các ý tưởng lạ, táo bạo, hứa hẹn, các bạn trẻ đoạt giải say sưa bước tới, quên rằng, đội ngũ mạnh và nhất là kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu thực tế thị trường mới chính là đòi hỏi nghiệt ngã nhất.
Nhỏ, cần phải có võ và còn phải là võ độc, khác biệt nữa.
Bản lĩnh xây dựng thành công những công trình nhỏ là kinh nghiệm quá thiếu và còn cay đắng cho Việt Nam, đất nước thường tung hô và “gióng trống khua chiêng” cho các công trình kỷ lục về quy mô, độ lớn mà…không để làm gì. Tôi cũng vừa mới đọc hôm nay đoạn viết ngắn của kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong về một công trình nhỏ. Anh khen, phòng khách thương gia của sân bay Siem Reap rằng, đừng tưởng nhỏ mà không có võ nhé. Đẹp, có cá tính, tiện nghi, đẳng cấp dịch vụ phục vụ văn minh như không gian khách sạn 5 sao. Quầy bar có đủ loại rượu, bếp với các món ăn nhẹ nhân viên phục vụ tận tình, tiếng nhạc du dương, sản phẩm đặc sắc, tinh tế. Nếu phải đối chiếu với phòng khách thương gia của Nội Bài thì mình thua xa.
Với Nhà nước Việt Nam, thay vì hô hào suông, tổ chức những cuộc ra quân ồn ào, tôi nghĩ, cần kiên trì, quyết liệt xây dựng cho được hệ sinh thái khởi nghiệp. Bây giờ, đâu đó ở một số ngành hay địa phương, những mảnh rời đang hình thành dần do yêu cầu thiết thân của cuộc sống nhưng cần có bàn tay đạo diễn giỏi, có tâm, chuộng thực chất gắn kết lại với nhau thành một tổng thể. Ngoài chính sách Nhà nước, sự tham gia của các định chế tài chính, chuyên gia, cần động viên các doanh nghiệp, vốn là những ông thầy thiết thực vì nhiều kinh nghiệm thực tiễn giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Cách làm của những công ty lớn có tầm nhìn như Apple, Google, Microsoft và cả nhiều công ty Việt Nam, chọn những dự án có mục đích phù hợp, hỗ trợ, nuôi lớn dần thành doanh nghiệp rồi mua lại các doanh nghiệp này chính là cách đầu tư, phát triển nguồn lực khôn ngoan và hiệu quả đã được chứng minh.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn, phân tích thẳng thắn cho các chủ dự án khởi nghiệp biết: họ thực sự muốn gì, dự án họ nên và sẽ làm được gì, nên đi về đâu, như thế nào và khi họ thấu hiểu rồi, thì kèm cặp trực tiếp cho họ các kiến thức, kỹ năng chuyên môn không thể thiếu. Khi sản phẩm của họ có thể thương mại hoá, được thị trường chấp nhận, là kết nối ngay doanh nghiệp với họ bằng các hình thức: mua lại công ty, hay đầu tư, hay đưa vào chuỗi cung ứng hoặc mua dịch vụ của họ.
Đó là một dự án mà chuyên gia thị trường bán lẻ và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cùng trung tâm BSA và đội ngũ các chuyên gia từng hướng dẫn, kèm cặp các dự án khởi nghiệp ba năm qua đang chuẩn bị thực hiện trong quý 2/2017.
Nhà báo Kim Hạnh – Nguồn: Tiếp Thị Thế Giới