Tốt nghiệp ngành Kiến trúc Quy hoạch vùng và đô thị – trường đại học Kiến Trúc TP.HCM, tưởng rằng Phạm Xuân Thành sẽ gắn bó với Sài Thành khi được tuyển vào 1 doanh nghiệp xây dựng, được làm việc theo đúng chuyên ngành đã học. Tuy nhiên, cái duyên và cũng là niềm đam mê với sông nước, với cánh rừng ngập mặn Cà Mau khiến thành từ bỏ cuộc sống phồn hoa phố thị, về quê trồng rừng, buôn bán tôm, cua.
Gia tài khổng lồ dưới tán cây rừng
Hiện nay, tại TP.HCM, nhiều người rao bán cua biển Cà Mau chỉ với giá 30 nghìn đồng/con loại có trọng lượng từ 500g đến gần 1kg nhưng ít người mua. Việc này là do chất lượng cua không tốt, cua bị buộc dây và nhất là đội lốt cua Cà Mau. Trong khi đó, tình trạng bơm tạp chất vào tôm để trục lợi của nhiều người khiến dân tình lo sợ. Chỉ trong 0,40 giây, cụm từ khoá “tôm bơm tạp chất” trên google hiện ra tới 3.780 kết quả. Như vậy, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm.
Tuy nhiên, tại Phiên chợ Xanh – Tử tế, do Trung tâm BSA sáng lập và vận hành từ hơn 1 năm qua, cua Cà Mau do Phạm Xuân Thành cung cấp có giá bán từ 350 đến 400 nghìn đồng/kg lại luôn cháy hàng. Hay các loại tôm đông lạnh, tôm khô của cựu sinh viên ĐH Kiến Trúc này cũng bán rất tốt, dù giá tôm khô lên đến 1,6 triệu đồng/kg.
Có được điều này là nhờ vào việc Thành cung cấp các sản phẩm thuần tự nhiên của vùng biển, rừng ngập mặn Cà Mau, nơi có rất nhiều loại thuỷ hải sản chất lượng, nổi tiếng như tôm, cua, cá, các loại khô thuỷ sản… Chính những cánh rừng ngập mặn và mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đã hình thành nên chất lượng và sự đặc trưng riêng cho hải sản ở Cà Mau.
Tại bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3, Thành chia sẻ: Thấy được những giá trị từ rừng, từ thiên nhiên mang đến, em quyết định nghỉ việc sau 2 năm, về quê phụ gia đình trồng và bảo vệ rừng, đồng thời khai thác nguồn thuỷ sản từ thiên nhiên. Việc khai thác phải khoa học để làm sao đảm bảo được sự phát triển bền vững của hệ sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản không bị tận diệt. Việc sản phẩm đắt hàng là do sản phẩm của em được khai thác chính từ những cánh rừng ngập mặn ở Cà Mau, không nuôi bằng các loại thức ăn công nghiệp, không có tạp chất. Em tin mình làm việc tử tế thì sẽ được khách hàng ủng hộ.
Trồng rừng để tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá
Để khai thác bền vững nguồn tài nguyên phong phú của rừng ngập mặn Cà Mau, Thành đã nghiên cứu, phân tích thực trạng hiện tại của từng khu rừng và mong muốn truyền đi thông điệp về các loại thuỷ sản như tôm, cua, cá. Trong đó, cách nuôi tôm truyền thống dựa vào thiên nhiên – giúp tôm phát triển tự nhiên, không nuôi thức ăn công nghiệp hay thuốc kháng sinh, về cách người dân trồng rừng để nuôi tôm được cựu sinh viên trường ĐH Kiến Trúc này nghiên cứu rất kỹ và thực hiện nghiêm túc.
Với lợi thế là kinh nghiệm 26 năm trồng và giữ rừng, nuôi tôm, cua cùng gia đình, Thành đã mạnh dạn thành lập công ty Con Tôm để kinh doanh. Để có nguồn thuỷ sản từ thiên nhiên, Thành và gia đình tập trung vào việc trồng rừng để tạo nguồn thức ăn cho tôm. Tôm thiên nhiên sẽ ăn rong, tảo và các sinh vật phù du có trong rừng để phát triển. Hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp hay thuốc kháng sinh. Sau khi khai thác, Tôm sẽ được cấp đông khi còn tươi sống để giữ được chất lượng sản phẩm.
Cà Mau nổi tiếng với sản phẩm tôm khô, tuy nhiên hiện nay với cách sản xuất công nghiệp thì hương vị truyền thống dần bị mai một. Trong khi đó, Thành “Con Tôm” vẫn muốn giữ lại cách làm truyền thống, hương vị truyền thống đúng với đặc sản Cà Mau. Do đó, Tôm khô được phơi nắng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng màu, không chất bảo quản, không gia vị, được chế biến (luộc chín) trước khi phơi, nên đảm bảo được độ ngọt, dai, đúng với danh tiếng đặc sản Cà Mau và người tiêu dùng có thể sử dụng trực tiếp.
Thành kể: Thời gian đầu, để bán được sản phẩm, hằng ngày cậu phải ngồi ngoài vỉa hè gần chợ để bán tôm. Sau một thời gian thì tìm đến các phiên chợ nông sản sạch ở Sài Gòn, và tham gia tại Phiên chợ xanh tử tế của Trung tâm BSA. Đây là nơi giúp Thành hoàn thiện sản phẩm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm và được nhiều người biết đến, các cửa hàng đã bắt đầu nhận phân phối sản phẩm. Hiện Thành chú trọng vào việc phát triển mặt hàng tôm thiên nhiên trước, sau đó phát triển đến các sản phẩm khác như cua, cá từ rừng ngập mặn Cà Mau.
Phát triển du lịch cộng đồng để hiểu về “Con tôm”
Hiện Cà Mau có đến 92.360 ha rừng tự nhiên, chiếm đến 77% rừng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, chủ yếu là rừng ngập nước. Trong đó, rừng ngập mặn chiến gần 55 ha. Ngoài ra, trên các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc có trên 710 ha, với nhiều loại gỗ quý và động vật sống dưới tán rừng.
Nhận ra các giá trị tiềm ẩn từ rừng ngập mặn ở Cà Mau như cảnh quan, nguồn thực phẩm, hoạt động trải nghiệm và nhu cầu khách hàng, cựu sinh viên trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM đã dựng nên những homestay, đầu tiên là ngay trên chính vuông tôm của gia đình. Đây là biện pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm qua việc giúp khách hàng được trải nghiệm thực tế, nhận thức rõ về chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên. Hoạt động này cũng là cách giúp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng của du khách thập phương.
Ở vòng bán kết Cuộc thi ở Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3 – 2017, do Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời và Trung tâm BSA phối hợp tổ chức, Phạm Xuân Thành, Cà Mau đã gây được ấn tượng mạnh khi giới thiệu dự án “Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau kết hợp với xây dựng chương trình du lịch sinh thái cộng đồng Homestay”. Tại vòng chung kết, sẽ diễn ra ở Hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập) vào các ngày 27 & 28.10 tới, “Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau” sẽ là dự án đáng gờm đối với 29 dự án còn lại.
Cập nhật các hoạt động cuộc thi tại: https://www.facebook.com/sangtaokhoinghiep/ |
Bài & ảnh: Anh Tuấn