Bạn chắc hẳn từng gặp trường hợp không hiếm người thuộc tầng lớp khá giả trung lưu, tự nghĩ mình tiến bộ hơn người khác, cứ mở miệng ra là khen lấy khen để văn minh phương Tây. Không chỉ trong lĩnh vực học vấn, đạo đức mà từ chính trị, kinh tế đến cả cách uống trà, bữa ăn hàng ngày không có cái gì là người ta không bắt chước sao cho thật giống phương Tây đến mức rập khuôn cả những khuyết điểm của nó. Ngay cả những kẻ mù mờ về sự tình phương Tây cũng ra sức vứt bỏ những giá trị truyền thống, chạy theo cái mới.
Đây là hiện tượng thường xuất hiện khi một quốc gia mở cửa, bước vào hội nhập không riêng gì tại Việt Nam.
Từ thế kỷ 19, nhà tư tưởng vĩ đại Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản từng viết về tình trạng này của người Nhật tại thời điểm đất nước này đang thực hiện công cuộc Duy tân do chính phủ Minh Trị tiến hành. Yukichi viết: “Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của họ cũng hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy những khuyết điểm. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho. Ngược lại phong tục Nhật không phải cái gì cũng kém cỏi, cũng cổ hủ.”
Vậy nước Nhật đã tiếp thu văn minh phương Tây để phát triển thành một cường quốc trên thế giới như hiện nay thế nào? Đây là 2 điều người Nhật nên học từ phương Tây mà Fukuzawa Yukichi chỉ ra.
Tìm kiếm chân lý thường bắt đầu từ sự hoài nghi
Nếu con người tin tưởng sự vật một cách mù quáng thì sự giả dối, ngụy tạo sẽ tràn lan. Chân lý chỉ sinh ra từ sự hoài nghi. Trong xã hội, người ta tin vào sách vở, tin vào lời nói của người khác, tin vào sự đồn đại, tin vào tục thuyết vào lời bói toán. Trước khi thành hôn cũng phải nhờ thầy bói xem tốt xấu, có khi mất cả lương duyên vì tin lời phán. Bị ốm sốt, không đi khám bác sĩ mà lại cũng bái. Tất cả đều do lòng tín ngưỡng của con người mà chân lý không được sinh ra từ tín ngưỡng. Một khi con người còn tin vào những điều không phải là sự thật thì thế giới ngụy tạo còn tồn tại mãi.
Những tiến bộ của văn minh đều ra đời từ sự phát hiện chân lý trong quá trình nghiên cứu mọi sự vật tự nhiên xung quanh ta. Nguyên nhân phát triển của nền văn mình phương Tây cũng xuất phát từ tinh thần hoài nghi. Galile tìm ra thuyết Trái đất quay quanh Mặt trời vì nghi ngờ thuyết Mặt trời quay quanh Trái đất. Newton tìm ra quy luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát trái táo rơi. Watt phát minh ra máy hơi nước do để ý tới hơi khói bốc ra từ phích nước. Tất cả đều đạt tới chân lý xuất phát từ sự hoài nghi trước các hiện tượng, sự vật.
Không phải chỉ có khoa học tự nhiên, những tiến bộ của khoa học xã hội cũng vậy. Từ chỗ hoài nghi chế độ chiếm hữu nô lệ, nên đã đề xuất Luật cấm buôn bán nô lệ. Hoài nghi về Công giáo Roma, Martin Luther đã thực sự cải cách tôn giáo. Nhân dân Pháp vì căm giận sự bạo ngược của tầng lớp quý tộc nên đã làm nên cuộc cách mạng Pháp. Nhân dân mười ba bang Hoa Kỳ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập vì hoài nghi những luật lệ của Anh quốc.
Tại phương Tây, cứ mỗi học thuyết ra đời thì có học thuyết mới phản biện lại. Những cuộc tranh luận với các ý kiến, học thuyết khác nhau diễn ra liên tục không ngừng.
Chỉ có học vấn mới nuôi dưỡng năng lực phán đoán
Ngay tại Nhật Bản, kể từ khi mở cửa đã có những thay đổi nhanh chóng. Hầu hết mọi lĩnh vực như chính thể, trường học, báo chí, đường sắt, điện tín, quân đội, công nghiệp…đều đã đổi khác. Có thể nói đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy nếu không hoài nghi, không trăn trở với cách làm cũ đã diễn ra suốt bao năm qua thì sẽ không có cải cách và thay đổi.
Nhưng có một vấn đề nếu như trước đây người Nhật tin tưởng không mảy may nghi ngờ hay phê phán cách làm từ trước đến nay như thế nào, thì giờ chúng ta lại tin tưởng tới mức mù quáng văn minh phương Tây. Ngày xưa, chúng ta đã bắt chước Trung Hoa. Ngày nay, chúng ta quay ngoắt một trăm tám mươi độ, ra sức bắt chước phương Tây.
Trong khi vẫn chưa tìm ra được tư tưởng nào cần phải tin, thì nhiều người trở nên mất phương hướng, trở nên dao động tinh thần vội vã vất bỏ tư tưởng đã từng một thời tin tưởng. Trong xã hội đang hỗn loạn giữa cái mới và cái cũ, đang chứng kiến tư tưởng cùng văn vật phương Tây tràn vào thì việc lựa chọn đúng là rất cần thiết và cấp bách trên cơ sở so sánh văn mình Nhật Bản với phương Tây, phải du nhập cái gì, phải kiên quyết loại bỏ cái gì. Cần phải có năng lực lựa chọn: Tin cái gì và nghi ngờ cái gì. Kết quả của học vấn chính là ở chỗ nuôi dưỡng năng lực lựa chọn đó.
Cần đọc nhiều, suy nghĩ khách quan mọi sư vật, nuôi dưỡng tri thức, tìm kiếm sự thực tại thực địa. Cái mà vừa mới tin ngày hôm qua, thì hôm nay phải hoài nghi suy xét lại có còn đúng hay không và tìm cách giải quyết vào hôm sau.
Vì lẽ đó mọi người phải học tập.
(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Khuyến học của Fukuzawa Yukichi
Yên Nhiên/Trí Thức Trẻ
Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có sự khác biệt là do học vấn
– Fukuzawa Yukichi